Ngày pháp luật

Âu lo việc làm ngày Tết

Thành Trung

Tết là dịp sum vầy, là thời khắc mọi người đều mong ngóng nhưng với những người đi làm ăn xa, năm nay, có lẽ Tết đem lại nhiều tiếng thở dài lo lắng hơn là những nụ cười.

Giảm thu, bội chi

Năm 2023 là năm kinh tế buồn, làn sóng mất việc đang ngày một tăng bởi nhiều công ty buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động do không có đơn hàng. Theo Tổng cục thống kê, có đến hơn 1 triệu người lao động trên 15 tuổi mất việc làm trong 9 tháng đầu năm 2023. Thậm chí, một số chuyên gia còn dự báo làn sóng này có thể đã đạt đến đỉnh điểm vào tháng cuối 11 và trong tháng 12. 

Giảm thu nhưng vẫn phải chi tiêu rất nhiều. Gần Tết, giá cả dần leo thang, có khi gấp rưỡi bình thường. Nhiều người không còn nghĩ đến chuyện về quê ăn Tết vì về quê đồng nghĩa với tiền đi lại, tiền quà cáp biếu xén, tiền mua sắm, chuẩn bị Tết có thể khiến họ “bay” từ 3 đến 4 tháng lương, vượt quá khả năng cân đối chi tiêu của họ. Ngoài ra, vào dịp Tết, nhiều chi họ, dòng họ cũng kêu gọi đóng góp quỹ sửa sang mộ phần, nhà thờ họ hoặc các công việc làng xã khác. Đây cũng là một khoản chi tương đối nặng mà những người lao động xa nhà thường phải gánh vác.

 Âu lo việc làm ngày Tết - Ảnh 1

Việc làm mùa Tết

Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong 3 quý đầu năm, tỉ lệ người có việc làm phi chính thức là 65%. Con số này phản ánh thực trạng khi mất việc, một ít người chọn giải pháp về làm nông hay kiếm việc ở quê trong khi đa phần sẽ ở lại thành phố, tìm việc làm ở thị trường lao động phi chính thức như làm xe ôm, thợ hồ, buôn bán nhỏ, giúp việc quán ăn hay làm việc công nhật tại những cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ cho qua giai đoạn khó khăn và đợi các công ty tuyển người trở lại.

Lại có nhiều người không lựa chọn làm việc tại các công ty, nhà máy nữa mà chuyển hẳn sang làm các công việc tự do như làm shipper, xe ôm công nghệ, giúp việc theo giờ… Đây từng là những công việc “thời thượng”, đem lại thu nhập rất khá, tương đương với nhân viên văn phòng cao cấp nhưng hiện nay cũng đã suy giảm rất nhiều do lượng người nhận việc thì nhiều mà nhu cầu càng lúc càng giảm. 

Nhiều người, đa phần là phụ nữ, lại chọn việc buôn bán nhỏ, buôn bán online làm kế sinh nhai ngắn hạn. Đôi khi là “mua đầu chợ, bán cuối chợ”, đôi khi là gom hàng từ quê vào rồi đi giao cho khách, “lấy công làm lời” là chính nhưng phần nào cũng giúp gia đình qua được cơn bĩ cực và có thêm chút tiền trang trải chi tiêu ngày Tết. Nhưng khó khăn lớn nhất khi chọn kế sinh nhai này là vốn, dù chỉ quanh quẩn chục triệu đồng thôi nhưng cũng là thách thức đối với người lao động phổ thông thời điểm này.

 Âu lo việc làm ngày Tết - Ảnh 2

Khó vay mùa Tết

Trước Tết thì mất việc, muốn buôn bán cũng chẳng có vốn, muốn đi làm công cũng khó xin được việc, sau Tết thì chắc gì đã có việc làm ngay trong khi các khoản chi từ tiền nhà, tiền ăn học vẫn cứ phải đóng đều… Đó chính là những nỗi lo hằn sâu trong mắt của người lao động xa quê. Nhiều người đã trông chờ các gói hỗ trợ tài chính từ nhà nước nhưng không phải ai cũng tiếp cận được vì số lượng các gói vay có hạn. Ngân hàng và công ty tài chính thường xuyên cung cấp các khoản vay tín chấp nhưng điều kiện vay lại khắt khe, nhất là chứng minh thu nhập và xác định nợ xấu. Vay ở các tổ chức tín dụng phi ngân hàng như các tiệm cầm đồ thì dễ dàng hơn nhưng mọi người thường tỏ ra e ngại vì những định kiến. Thậm chí, đến các chuỗi cầm đồ hoạt động có uy tín và được cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên kiểm tra, giám sát như F88 cũng đã phải kêu trời vì những định kiến kiểu này. Kết cục, để có tiền trang trải cuộc sống, thậm chí để có chút vốn nhỏ bán buôn, nhiều người lại dễ dàng sa vào bẫy tín dụng đen bởi những lời dụ dỗ ngọt ngào nhưng sau đó là lãi suất trên trời, là đòi nợ khủng bố, khổ càng thêm khổ. Mà không thể vay tiền mùa Tết thì lấy đâu ra vốn để kinh doanh, thậm chí để duy trì cuộc sống thường nhật?

Khó kiếm việc làm, chi phí tăng cao, không dễ vay tiền lấy vốn làm ăn là những nỗi lo thường trực của người lao động phổ thông mỗi dịp Tết về. Đôi khi nỗi lo ấy lớn đến mức nó khiến người lao động không còn thiết tha với ngày Tết, ngày sum vầy và người ta gọi đó là tâm lý “sợ Tết”.

Tin Cùng Chuyên Mục