Mới đây, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã chính thức thông qua dự án phát triển kính viễn vọng Ariel. Đây là chiếc kính viễn vọng đầu tiên được chế tạo hoàn toàn bằng nhôm, kể cả tấm gương chính kích thước 1,1 m x 0,7 m dự kiến được phủ bạc.
Nguyên nhân là Ariel phải hoạt động trong môi trường có nhiệt độ rất thấp, có thể xuống tới -230 độ C. Đây là chiếc kính viễn vọng đầu tiên được chế tạo hoàn toàn bằng nhôm, với mục đích để cho toàn bộ chiếc kính cùng co lại khi nhiệt độ xuống thấp, giúp nó giữ khả năng tập trung dù bị nhỏ lại.
Ariel sẽ được phóng lên không gian vào năm 2029, hoạt động ở vị trí cách Trái đất 1,5 triệu km. Khối lượng khi phóng của kính viễn vọng này là 1.500 kg. Nhiệm vụ của nó dự kiến kéo dài 4 năm với chi phí chế tạo ước tính khoảng hơn nửa tỷ euro.
Kính viễn vọng Ariel sẽ quan sát khoảng 1.000 ngoại hành tinh trong giai đoạn chính của nhiệm vụ, theo dõi những thiên thể này khi chúng di chuyển phía trước hoặc sau sao chủ. Thông tin về thành phần hóa học của khí quyển các ngoại hành tinh ẩn chứa trong ánh sáng phát ra từ những ngôi sao. Ariel sẽ khai thác thông tin này nhờ những kỹ thuật quang phổ tiên tiến. Giới khoa học hy vọng kính viễn vọng mới sẽ giúp quan sát Hệ Mặt trời trong phạm vi rộng hơn.
Ariel là một trong 3 kính viễn vọng nghiên cứu ngoại hành tinh của ESA. Hai kính viễn vọng còn lại là Cheops, phóng lên năm ngoái với mục đích chính là xác định kích thước của những ngoại hành tinh đã biết và Plato, dự kiến phóng vào nửa cuối thập kỷ này. Nhiệm vụ của Plato là phát hiện và mô tả những hành tinh đất đá giống Trái đất.