Trang Nikkei Asia cho biết, một số cửa hàng Apple tại Nhật Bản đã cho phép người nước ngoài mua iPhone với số lượng lớn. Trong đó, có cá nhân mua đến hàng trăm thiết bị cùng một lúc và cửa hàng đã bỏ sót việc đánh thuế "người bán hàng xách tay" này. Mới đây, Apple đã bị cơ quan chức năng Tokyo truy thu 13 tỷ yên (98 triệu USD) tiền thuế.
Doanh thu của Apple tại thị trường Nhật Bản đạt 26 tỷ USD trong năm tài chính 2022, theo báo cáo thường niên gần đây của công ty. Theo Nikkei, Apple Nhật Bản đã kê khai bổ sung thuế. Công ty cũng tự nguyện ngừng cung cấp dịch vụ mua sắm miễn thuế hồi tháng 6.
Quy định mua sắm miễn thuế của Nhật Bản cho phép du khách lưu trú dưới sáu tháng mua các mặt hàng như quà lưu niệm hoặc đồ dùng hàng ngày mà không phải trả khoản thuế tiêu dùng 10%. Quy định này được áp dụng cho các mặt hàng tiêu dùng như mỹ phẩm hoặc dược phẩm có giá trị dưới 500.000 yên (3763 USD). Còn hàng hóa thông thường như đồ điện tử gia dụng không bị giới hạn giá trị. Tuy nhiên, khoản miễn thuế không được áp dụng cho các giao dịch có mục đích mua để bán lại.
Khoản thuế truy thu có giá trị lớn lần này thể hiện lỗ hổng trong các quy tắc mua sắm miễn thuế tại Nhật Bản. Năm ngoái, cục thuế của Tokyo từng tiến hành truy thu tổng cộng hơn 100 triệu yên tiền thuế tiêu dùng của ba chuỗi cửa hàng bách hóa lớn.
Một cuộc khảo sát của cơ quan thuế nước này cho thấy trong nửa đầu năm 2022 có đến 24.000 trường hợp không báo cáo các khoản thanh toán thuế tiêu thụ. Tổng số tiền thuế truy thu đạt mức kỷ lục là 86,9 tỷ yên (654 triệu USD), tăng 11% so với 5 năm trước.
Kể từ năm 2012, Nhật Bản coi hoạt động du lịch và tiêu dùng là trọng tâm của chiến lược tăng trưởng. Xứ sở anh đào đã mở rộng nhiều đường bay và cửa hàng miễn thuế.
Hiệp hội các cửa hàng bách hóa Nhật Bản cho biết lượng giao dịch mua hàng miễn thuế liên tục lập kỷ lục trong 3 năm liên tiếp 2017 - 2019. Năm 2019, giá trị giao dịch mua hàng miễn thuế chạm mức hơn 340 tỷ yên (2,56 tỷ USD). Tuy nhiên, các khoản miễn trừ không đúng quy định sẽ làm thâm hụt vào ngân sách tài trợ cho các chương trình an sinh xã hội.
Vào tháng 4/2020, Nhật Bản đã thiết lập hệ thống chia sẻ dữ liệu điện tử giữa Cơ quan thuế quốc gia và Hải quan. Cơ quan thuế cũng đã yêu cầu một số lĩnh vực không cho phép miễn trừ đối với các giao dịch đáng ngờ.
Trái ngược với chính sách của Nhật Bản, các quốc gia khác thường yêu cầu du khách kê khai giao dịch mua bán khi họ rời khỏi đất nước và hoàn thuế tại thời điểm đó. Mặc dù thủ tục này có phần mất thời gian nhưng giảm thiểu được khả năng làm thất thu thuế.
Thành viên Liên minh Châu Âu thường yêu cầu cửa hàng gửi tiền hoàn lại sau khi xác nhận với hải quan, trong khi cơ quan chính phủ xử lý quy trình này ở nhiều quốc gia khác.