Ngày pháp luật

Apple không lắp ráp sản phẩm ở Mỹ vì thiếu ốc vít

Theo Bảo Nam/VnExpress

Câu chuyện về con ốc vít nhỏ trên Mac Pro trở thành ví dụ rõ ràng cho việc tại sao Apple không xây dựng nhà máy tại Mỹ.

Năm 2012, Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple, xuất hiện trên truyền hình để thông báo công ty sẽ tạo ra một máy tính Mac ngay tại Mỹ. Nó sẽ là sản phẩm đầu tiên của hãng được sản xuất bởi chính các công nhân Mỹ và đi kèm dòng chữ đặc biệt phía sau với nội dung: "Assembled in USA" (Được lắp ráp tại Mỹ).

Nhưng khi Apple bắt đầu sản xuất chiếc máy tính trị giá 3.000 USD này ở Austin, bang Texas, họ vấp phải một khó khăn không lường trước. Đó là việc vật lộn để tìm đủ số ốc vít cho máy tính, theo chia sẻ của những người từng làm việc trong dự án khi đó.

Apple không lắp ráp sản phẩm ở Mỹ vì thiếu ốc vít - Ảnh 1

Một ốc vít trên phiên bản Mac Pro cuối năm 2013. Ảnh: NYTimes

Tại Trung Quốc, Apple có thể dễ dàng dựa vào các nhà máy địa phương bởi họ có thể cung cấp số lượng lớn ốc vít tùy chỉnh trong thời gian ngắn. Còn ở Texas, nơi theo nhiều người nói là "mọi thứ đều lớn hơn", hóa ra lại không tồn tại các đơn vị cung ứng linh kiện như ốc vít.

Các thử nghiệm liên quan tới phiên bản mới của máy tính bị cản trở, chỉ vì nhà thầu của Apple chỉ có 20 nhân viên và không thể sản xuất quá 1.000 ốc vít mỗi ngày.

Sự thiếu hụt ốc vít là một trong các vấn đề khiến việc lắp ráp máy tính bị trì hoãn nhiều tháng. Khi máy đã sẵn sàng để sản xuất hàng loạt, Apple buộc phải đặt hàng ốc vít từ Trung Quốc.

Những thách thức ở Texas cho thấy rắc rối Apple sẽ phải đối mặt nếu họ cố chuyển phần lớn dây chuyền sản xuất của mình ra khỏi Trung Quốc. Họ nhận ra không có quốc gia nào, nhất là Mỹ, có thể đảm bảo đủ tiêu chí kết hợp giữa quy mô, kỹ năng lao động, cơ sở hạ tầng và chi phí như Trung Quốc.

Trung Quốc hiện không chỉ là một trong những thị trường quan trọng nhất của Apple. Những tháng qua, sự phụ thuộc của công ty Mỹ vào nơi này ngày càng trở nên rõ ràng. Ngày 2/1, đại diện Apple cho biết lần đầu tiên trong 16 năm, họ không đạt được mức doanh số kỳ vọng, chủ yếu do thị trường Trung Quốc. Chưa hết, công ty có thể đối mặt với áp lực tài chính nhiều hơn nữa nếu chính quyền của Tổng thống Trump thực hiện lời đe dọa trước đó là áp thuế đối với điện thoại sản xuất tại Trung Quốc. 

Công ty đã tăng cường tìm kiếm biện pháp để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình như ở Ấn Độ và Việt Nam, theo chia sẻ giấu tên của một giám đốc điều hành Apple. Ông lo lắng sự phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc trong vấn đề sản xuất, giữa bối cảnh căng thẳng giữa hai nước không thể dự đoán trước, là một rủi ro.

Apple không lắp ráp sản phẩm ở Mỹ vì thiếu ốc vít - Ảnh 2

Tim Cook đã giúp Apple hoàn thiện dây chuyền sản xuất ở nước ngoài, từ năm 2014. Ảnh NYTimes

"Kỹ năng của nhân công ở đây thật không thể tin được", Cook nói tại một hội nghị ở Trung Quốc cuối năm 2017, bởi làm các sản phẩm của Apple đòi hỏi phải có máy móc hiện đại và rất nhiều người biết cách điều hành chúng.

"Tại Mỹ, bạn có thể tổ chức một cuộc họp gồm các kỹ sư gia công nhưng tôi không chắc chúng ta có thể kiếm đủ người để lấp đầy một căn phòng", ông nói. "Còn tại Trung Quốc, bạn có thể lấp kín nhiều sân bóng bằng những con người như vậy".

Năm 2004, Tim Cook giúp Apple chuyển sang sản xuất sản phẩm ở nước ngoài. Việc này giúp công ty cắt giảm một loạt chi phí và định hình nên quy mô sản xuất khổng lồ trên phạm vi toàn cầu, nền tảng cần thiết để tạo ra một số sản phẩm công nghệ bán chạy nhất trong lịch sử.

Công ty đã ký nhiều hợp đồng với các đối tác, tạo nên các nhà máy khổng lồ ở Trung Quốc. Một số trong đó có quy mô diện tích hàng cây số vuông và sử dụng hàng trăm nghìn công nhân trong việc lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói sản phẩm. Tổ hợp này bao gồm các bộ phận được sản xuất trên khắp thế giới, từ Na Uy đến Philippines, sau đó tất cả được chuyển đến Trung Quốc. Việc lắp ráp cuối cùng là phần tốn nhiều công sức nhất trong chuỗi tạo sản phẩm công nghệ. Vị trí của nhà máy lắp ráp thường xác định một sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ đâu để đánh thuế.

Tim Cook thường phản đối suy nghĩ iPhone là của Trung Quốc. CEO Apple cho hay Corning, một nhà máy ở Kentucky, sản xuất màn hình iPhone và một công ty khác ở Allen, Texas tạo công nghệ laser cho hệ thống nhận diện khuôn mặt.

Ông cũng tranh luận lao động giá rẻ là lý do Apple vẫn ở Trung Quốc. Mức lương tối thiểu tại Trịnh Châu, nơi đặt nhà máy lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới, khoảng 2,1 USD mỗi giờ và đã bao gồm phúc lợi. Apple cho biết mức lương khởi điểm cho công nhân lắp ráp sản phẩm là khoảng 3,15 USD một giờ. Tất nhiên, số tiền chi trả cho nhân công làm việc tương tự tại Mỹ cao hơn đáng kể.

Mặc dù là một trong những máy tính mạnh nhất của Apple, Mac Pro sản xuất tại Mỹ cũng là một trong những máy tính đắt nhất. Các nhà cung cấp Trung Quốc đã vận chuyển linh kiện của họ đến Texas. Nhưng trong một số trường hợp như khi cần thay đổi thiết kế các bộ phận mới, các kỹ sư được giao nhiệm vụ thiết kế máy tính phải tự tìm linh kiện tại các cửa hàng máy móc ở địa phương.

Ở thành phố Lockhart, trung tâm Texas, họ tìm thấy Stephen Melo, chủ sở hữu kiêm chủ tịch của Caldwell Manufacturing. Đội ngũ nhân viên của Flextronics, công ty được Apple thuê để xây dựng máy tính, đã thuê Caldwell tạo 28.000 ốc vít dù trên thực tế họ cần số lượng nhiều hơn thế.

Khi Melo mua Caldwell năm 2002, nhà máy này có khả năng sản xuất ốc vít với khối lượng lớn, đủ cho nhu cầu của Apple. Nhưng sau đó, do việc sản xuất dần chuyển sang Trung Quốc, quy mô sản xuất đã bị thu hẹp. Ông phải thay thế các máy ép dập kiểu cũ, thiết bị có thể sản xuất hàng loạt bằng các loại máy móc được thiết kế cho các công việc chuyên môn và đòi hỏi sự chính xác nhiều hơn.

Melo cho biết ông nghĩ thật mỉa mai khi Apple, một công ty hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất ở nước ngoài, lại gọi điện để đặt đơn hàng ốc vít số lượng lớn. Ông nói rất khó đầu tư cho việc sản xuất ốc vít ở Mỹ vì những thứ như vậy có thể mua rất rẻ từ nước ngoài.

Ông chủ của Caldwell sử dụng thiết bị mới để tạo ra những con ốc, dù nó không chính xác như thứ Apple muốn. Công ty của ông cung cấp 28.000 ốc vít, thông qua 22 lần vận chuyển. Người đem hàng đi giao chính là Melo, trên chiếc xe hơi mang nhãn hiệu Lexus của mình, bởi thời gian di chuyển chỉ mất một giờ.

Apple không lắp ráp sản phẩm ở Mỹ vì thiếu ốc vít - Ảnh 4

Các công nhân nhà máy sản xuất iPhone ở Trịnh Châu trên đường đi làm, năm 2015. Ảnh: NYTimes

Một cựu giám đốc giấu tên của Apple cho biết quy mô của Flextronics nhỏ hơn nhiều so với những gì ông thường thấy trong các dự án tương tự ở Trung Quốc. Ông không rõ lý do chính xác tại sao dự án  thiếu người, nhưng đoán nguyên nhân có thể do nhân công ở Mỹ đắt hơn.

Trong khi ở Trung Quốc, rất nhiều người tham gia để đảm bảo các nguyên liệu được đưa vào sản xuất thì ở Mỹ, công việc này hoàn toàn do một người phụ trách. Điều này dễ dẫn tới các sai sót, nhầm lẫn gây ra sự chậm trễ của quá trình sản xuất. Ngoài ra, các nhân công ở Trung Quốc được bố trí làm theo ca, để nhà máy không có phút nào ngừng hoạt động thì ở Mỹ, điều này lại không thể áp dụng.

"Vấn đề ở Trung Quốc không chỉ là rẻ", Susan Helper, Giáo sư kinh tế tại Đại học Case Western Reserve, chia sẻ. "Đó còn là nơi các nhà cung cấp có thể sắp xếp 100.000 người làm việc cả đêm cho bạn. Điều này là một phần thiết yếu của chiến lược giới thiệu sản phẩm".

Bà Helper cho biết Apple có thể tạo ra nhiều sản phẩm hơn ở Mỹ nếu họ đầu tư thời gian và tiền bạc, cũng như phụ thuộc nhiều hơn vào robot và kỹ sư chuyên ngành thay vì số lượng lớn các công nhân được trả lương thấp. Chính phủ và ngành công nghiệp cũng sẽ có thể cải thiện vấn đề đào tạo nghề và thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, khả năng điều này xảy ra rất thấp.

Apple vẫn lắp ráp Mac Pro tại nhà máy ở ngoại ô Austin, một phần vì công ty đã đầu tư máy móc rất nhiều tại đây. Nhưng Mac Pro đang có doanh số bán chậm và họ không cập nhật nó kể từ khi giới thiệu năm 2013. Tháng 12/2018, công ty thông báo sẽ tuyển thêm 15.000 công nhân cho văn phòng tại đây. Tuy nhiên, không ai trong số này được dự kiến sẽ làm việc tại dây chuyền sản xuất.

Tin Cùng Chuyên Mục