Công nghệ này được gọi là theo dõi tiếp xúc, được thiết kế để hạn chế sự lây lan của Covid-19 bằng cách cảnh báo người dùng smartphone rằng họ nên cách ly hoặc tự cách ly nếu đã từng tiếp xúc với người nhiễm Covid-19.
Hai đối thủ tại Thung lũng Silicon cho biết, cả hai đang tập trung thêm công nghệ này vào hệ điều hành iOS và Android với hai bước.
Bước 1: dự kiến vào giữa tháng 5, hai công ty sẽ bổ sung khả năng cho iPhone và điện thoại Android để trao đổi không dây thông tin ẩn danh thông qua các ứng dụng do cơ quan y tế công cộng điều hành.
Điều này có nghĩa là, nếu người dùng kiểm tra dương tính với Covid-19 và thêm dữ liệu đó vào ứng dụng y tế công cộng của họ, những người dùng mà họ đã đến gần trong vài ngày trước sẽ được thông báo. Thời gian này có thể là 14 ngày, nhưng các cơ quan y tế hoàn toàn có thể thiết lập phạm vi thời gian.
Bước thứ hai đòi hỏi cần nhiều thời gian hơn. Trong những tháng tới, thay vì phải đợi người dùng tải từ AppStore hay PlayStore, ứng dụng trên sẽ được cài mặc định trong các mẫu smartphone sử dụng hệ điều hành iOS hay Android. Apple iOS và Google Android có khoảng 3 tỷ người dùng, chiếm hơn 1/3 dân số thế giới.
Đại dịch đã giết chết hơn 100.000 người và hơn 1,63 triệu người nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới tính đến ngày 10/4. Chính phủ đã ra lệnh cho hàng triệu người phải ở nhà, khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng khó khăn.
Bản đồ thống kê tình hình dịch covid-19 trên thế giới
Ứng dụng đang được xây dựng để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh và giúp thế giới có thể hoạt động trở lại. Theo dõi liên lạc là một phần quan trọng trong cuộc chiến chống lại Covid-19 bởi nó có thể giúp cơ quan chức năng ngăn chặn sự hồi sinh tiềm tàng của virus khi mọi người tiếp tục hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, công nghệ này vẫn đang gây tranh cãi bởi nó liên quan đến việc chia sẻ thông tin sức khỏe nhạy cảm từ hàng tỷ người trên thế giới thông qua các thiết bị di động liên tục phát sóng vị trí của họ. Một số chính trị gia và cơ quan quản lý cảnh báo quyền riêng tư của công dân nên được bảo vệ.
"Chúng tôi đề nghị các hành động được thực hiện để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 nhưng cũng phải bảo vệ quyền riêng tư của mỗi công dân Mỹ", thành viên của nhóm Cộng hòa bảo thủ tại Hạ viện, đã viết trong một lá thư gửi cho Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Apple và Google đã nhấn mạnh, hệ thống của họ vẫn sẽ bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Phần mềm bắt buộc phải được người dùng đồng ý mới có thể hoạt động, và dữ liệu vị trí sẽ không được thu thập. Ngoài ra, toàn bộ hệ thống có thể ngừng hoạt động nếu cần thiết.
Việc kết nối và chia sẻ dữ liệu của ứng dụng này được thực hiện thông qua Bluetooth tầm gần - công nghệ liên lạc không khai thác vị trí thực của người dùng. Do vậy, người tiếp xúc gần cũng chỉ nhận được thông báo về việc họ đã tiếp xúc với người bị nhiễm virus, chứ không phải cho biết địa điểm họ tiếp xúc.
Ngoài ra, hệ thống này cũng thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ để tránh tiết lộ danh tính của người bị nhiễm virus. Mốc báo hiệu, dù được chia sẻ giữa các thiết bị qua Bluetooth, nhưng liên tục được thay mã sau mỗi 15 phút để đảm bảo quyền riêng tư. Không những thế, các mã này cũng chỉ được chia sẻ trong thời gian họ nhiễm bệnh.
Sau đó, mốc báo hiệu này sẽ được ứng dụng đăng tải lên đám mây với thời hạn lưu trữ tạm thời trong 14 ngày. Khi người bị nhiễm virus tiếp xúc gần với một ai đó trong thời gian đủ lâu, mốc báo hiệu này sẽ chia sẻ ẩn danh thông qua Bluetooth tầm ngắn giữa các smartphone với nhau – bất kể là Android hay iPhone.
Với Apple và Google, đây là một hoạt động hợp tác chung hiếm hoi giữa hai gã khổng lồ công nghệ. Tuy nhiên, cả Apple và Google đều cho rằng, đây là thời điểm quan trọng để cùng nhau giải quyết một trong những vấn đề gây ra nhiều khó khăn nhất trên thế giới.
Dù vẫn có một số hạn chế, nhưng đây cũng là một chương trình khá hiệu quả nhờ sự hợp tác của hai công ty khổng lồ về nền tảng thiết bị di động hiện nay. Hệ thống này vẫn chưa thể thay thế được các phương pháp truyền thống nhưng nó cũng có thể là biện pháp hữu ích khi smartphone đang là thiết bị được hàng tỷ người sử dụng như hiện nay.