Vài tuần trở lại đây, tờ New York Times cho rằng Apple đang nghiên cứu kế hoạch dịch chuyển một phần dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc, dây chuyền mới sẽ được triển khai tại Ấn Độ, Việt Nam cũng như một số khu vực khác tại Châu Á. Apple cũng đang tính phương án giảm phụ thuộc vào đối tác sản xuất Foxconn cho các hoạt động lắp ráp của mình.
Tại Trung Quốc có một thành phố được mệnh danh là thành phố iPhone thu nhỏ, tại đây Foxconn có 300.000 nhân sự, nhiều thời điểm chiếm tới 85% công suất sản xuất các sản phẩm iPhone Pro. Khi dịch bệnh ảnh hưởng cùng các chính sách ngăn ngừa Covid của Trung Quốc, công xưởng này lại trở thành điểm nghẽn của Apple khiến hãng không có đủ máy bán tới người tiêu dùng.
Trong các cuộc họp bàn với chính phủ Mỹ cùng các đối tác, Apple thừa nhận đang lệ thuộc quá nhiều vào năng lực sản xuất của Trung Quốc, việc không đa dạng hóa địa điểm sản xuất gây nhiều rắc rối cho công ty giá trị nhất hành tinh. Kết quả cụ thể là người dùng Mỹ đang phải chờ iPhone mua mới cho dịp giáng sinh lâu nhất từ trước tới giờ, nhiều người chỉ nhận được thiết bị sau dịp lễ, làm hỏng các món quà hay dự định cá nhân.
"Trong quá khứ, không ai quan tâm tới những mối lo ngại tập trung. Tự do thương mại khiến mọi thứ quá rõ ràng, các doanh nghiệp chọn lợi nhuận nên không đa dạng hóa địa điểm sản xuất. Giờ đây, một thế giới mới dần hình thành", ông Alan Yeung, cựu giám đốc điều hành Foxconn Mỹ cho biết.
Kế hoạch lâu dài của Apple sẽ là sản xuất từ 40 tới 45% iPhone từ Ấn Độ, con số hiện tại chưa tới 10%. Các chuyên gia trong lĩnh vực chuỗi cung ứng cho rằng khu vực khác như Việt Nam hoàn toàn có thể gia tăng sản lượng những sản phẩm khác cho Apple từ tai nghe Airpods, đồng hồ Apple Watch hay laptop.
Một trong những đối tác lớn của Apple tại Trung Quốc là Luxshare. Trong cuộc họp nhà đầu tư đầu năm nay, Luxshare có nhấn mạnh về tình thế của một đối tác lớn cùng những lo ngại của họ về tình hình sản xuất tại Trung Quốc. Đối tác này sau đó đề nghị Luxshare giúp đỡ về việc phát triển công việc bên ngoài Trung Quốc.