Michael Gartenberg, cựu giám đốc tiếp thị cấp cao của Apple cho rằng App Store đã không còn là “viên ngọc quý” trong hệ sinh thái của "gã khổng lồ" công nghệ nữa. Đây là một điều đáng tiếc. Ngày nay, dường như Apple chỉ tập trung nhiều vào việc tối đa hóa doanh thu thay vì phục vụ khách hàng và giúp các ứng dụng ngày càng phát triển.
Trước đây, khi hỏi bất kỳ vị giám đốc cấp cao nào của Apple rằng điều gì tạo ra sự khác biệt của công ty, câu trả lời gần như sẽ luôn là hệ sinh thái. Thời điểm đó, hệ sinh thái của Apple luôn giữ vị trí độc tôn trong việc tạo ra những sản phẩm có thiết kế dẫn đầu xu hướng và phần mềm có sự tích hợp chặt chẽ. Vào những năm 90, một trong những bài học nhà Táo rút ra từ quá trình phát triển sản phẩm Macbook đó là nếu không có ứng dụng thì thiết kế và phần mềm của sản phẩm có tốt đến đâu cũng "không có đất dụng võ". Ứng dụng là cầu nối đưa khách hàng biết đến sản phẩm và giữ chân họ.
Chính vì thế, App Store ra đời để cung cấp cho thiết bị iPhone hàng nghìn ứng dụng. Apple đã cẩn thận chọn lọc ứng dụng có tiềm năng nhất để đưa lên vị trí đầu bảng, giúp nhà phát triển xuất sắc gia tăng cơ hội tiếp cận người dùng đồng thời giúp người dùng nhanh chóng tìm được lựa chọn tốt nhất theo nhu cầu.
Nhờ đó, "gã khổng lồ" công nghệ cũng thu về không ít lợi nhuận khi tính phí 30% đối với những nhà phát triển ứng dụng có doanh thu hàng năm trên 1 triệu USD và 15% với những đơn vị có thu nhập hàng năm dưới 1 triệu USD. Đến nay, sau 15 năm kể từ khi chiếc iPhone đầu tiên ra mắt, App Store lại dần đi ngược với lý tưởng ban đầu.
Theo ông Michael Gartenberg, vấn đề đầu tiên mà nhiều người dùng gặp phải là quảng cáo ngày càng "chiếm lĩnh". Cách Apple quảng cáo trong App Store tạo nên trải nghiệm không tốt cho người dùng. Chẳng hạn như, khi tìm kiếm một ứng dụng, người dùng thường bị “tấn công” dồn dập bởi quảng cáo của những ứng dụng khác và thậm chí là không liên quan đến những gì họ đang tìm kiếm.
Vấn đề thứ hai, App Store là nơi lưu trữ rất nhiều loại ứng dụng mà theo ông Gartenberg đó là ứng dụng rác. Một ví dụ điển hình gần đây là các ứng dụng cờ bạc được gợi ý trong khi một số người dùng tìm kiếm ứng dụng "cai nghiện" cờ bạc. Tháng trước, Apple đã tạm dừng phương thức quảng cáo này sau khi vấp phải sự phản đối kịch liệt.
Và tất cả điều trên hoàn toàn trái ngược với những gì nhà sáng lập Steve Jobs từng nói vào năm 2011. "Không có quảng cáo" là đặc tính nổi bật của Apple. “Chúng tôi tạo ra những sản phẩm của chính mình và chúng tôi không muốn có quảng cáo”.
Bên cạnh đó, dù Apple có nguyên tắc không phê duyệt các ứng dụng sao chép nhưng nhiều nhà phát triển cho biết không ít ứng dụng đạo nhái vẫn hiển thị thông qua quảng cáo, chẳng hạn như những trò chơi ăn theo tựa game nổi tiếng.
Tháng 10 vừa qua, một nhà phát triển game đã phàn nàn trên Twitter rằng ứng dụng của họ đang bị sao chép. Sau khi bài chia sẻ đó được lan truyền, Apple mới đình chỉ ứng dụng đạo nhái kia. Trước đó, Apple từng phải dàn xếp một vụ kiện liên quan đến vấn đề tương tự.
Đây là một sự thất vọng lớn đối với các nhà phát triển hợp pháp, những người đang phải trả tiền để đảm bảo ứng dụng của họ không bị đẩy xuống bên dưới những ứng dụng khác, bao gồm cả các ứng dụng sao chép mà Apple cho hiển thị trong quảng cáo.
Với tư cách là người nắm giữ cổ phiếu Apple, ông Gartenberg đánh giá cao việc công ty sử dụng quảng cáo để tăng doanh thu vì doanh nghiệp hoạt động là để kiếm lợi nhuận. Nhưng với tư cách là khách hàng lâu năm của Apple, điều ông hoài niệm nhất là những ngày mà nhu cầu khách hàng được đặt lên trên nhu cầu về doanh thu.
Quay ngược lại năm 2010, nhà sáng lập Steve Jobs đã từng cấm rất nhiều ứng dụng rác vì chúng không mang lại giá trị cho người dùng và hạ thấp hệ sinh thái. Ông chia sẻ: “Nghe có vẻ như chúng tôi là những kẻ thích kiểm soát nhưng điều đó là vì chúng tôi đã cam kết với người dùng và muốn đảm bảo rằng họ sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời với các sản phẩm của chúng tôi”.
Theo Gartenberg, thực tế hiện nay, không chỉ mỗi App Store đề cao doanh thu hơn trải nghiệm người dùng mà bất kỳ thiết bị mới nào của nhà Táo cũng như vậy. Vấn đề hiện tại của Apple là hãng công nghệ này dường như không còn là lựa chọn duy nhất của người dùng. Dù là thiết kế hay ứng dụng độc quyền, tất cả đều có thể được tìm thấy ở các đối thủ của nhà Táo trên thị trường. Thách thức lớn nhất của những công ty ấy không phải là đối đầu với công nghệ của Apple mà là cỗ máy marketing khổng lồ của hãng.