Ngày pháp luật

APEC 2024 mở cánh cửa mới cho hợp tác kinh tế Peru - Việt Nam

Ngọc Anh

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), với sự tham gia của 21 quốc gia thành viên, được coi là một trong các cơ chế hợp tác quan trọng nhất thế giới với mục tiêu tăng cường mối quan hệ về kinh tế và chính trị.

Năm nay, Tuần lễ Cấp cao APEC 2024 diễn ra từ ngày 9 - 16/11 tại Thủ đô Lima (Peru) với những kết quả khả quan, hứa hẹn sẽ mang lại biến chuyển tích cực cho thế giới trong thời gian tới. Để hiểu hơn về vấn đề này, DN&PL đã có buổi trao đổi với bà Patricia Ráez Portocarrero - Đại sứ Peru tại Việt Nam.

Chào Đại sứ, xin bà cho biết quan điểm của bà về tầm quan trọng của APEC trong việc giải quyết các vấn đề chung của thế giới cũng như vai trò của APEC 2024?

Xin chào các độc giả của DN&PL. APEC là diễn đàn chính yếu về hợp tác kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương. Trong suốt 35 năm qua, APEC đã thúc đẩy hiệu quả hội nhập thương mại và đầu tư tại khu vực kinh tế năng động nhất hành tinh. Với khẩu hiệu “Trao quyền, Bao trùm, Tăng trưởng”, ba ưu tiên của APEC Peru 2024 là thương mại, đầu tư để tăng trưởng bao trùm và kết nối, sáng tạo và số hóa để thúc đẩy chuyển đổi sang kinh tế chính thức và toàn cầu, cùng với tăng trưởng bền vững để phát triển tự cường.

APEC 2024 mở cánh cửa mới cho hợp tác kinh tế Peru - Việt Nam - Ảnh 1

Đây là lần thứ ba Peru đảm nhận vai trò lãnh đạo diễn đàn, sau hai lần trước vào các năm 2008 và 2016. Đối với Peru, đăng cai APEC là cơ hội để củng cố hình ảnh trên trường quốc tế, vị thế kinh tế, ngoại giao của đất nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời góp phần giải quyết những thách thức to lớn về kinh tế - xã hội toàn cầu thông qua hợp tác quốc tế.

Trong khuôn khổ các cuộc họp APEC, Peru đã trở thành điểm đến của chuyến thăm chính thức từ các nguyên thủ quốc gia và các đoàn đại biểu từ 20 nền kinh tế. Sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp thuộc 21 nền kinh tế thành viên được thể hiện qua số lượng lớn các diễn đàn và các cuộc gặp gỡ doanh nghiệp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC CEO SUMMIT 2024, trong đó có thể kể tới sự kiện gặp gỡ doanh nghiệp Peru - Việt Nam ngày 14/11 vừa qua. Bên cạnh đó, APEC Peru 2024 là cơ hội lý tưởng để giới thiệu các lợi thế của Siêu cảng Chancay (Peru) như một trung tâm hub kết nối khu vực Nam Mỹ với châu Á. Lễ khánh thành siêu cảng nói trên vừa diễn ra vào ngày 14/11 trong Tuần lễ Cấp cao APEC.

Bà đánh giá như thế nào về kết quả của APEC 2024 đối với Peru nói riêng và các quốc gia khác nói chung?

Một trong những thành tựu chính trong nhiệm kỳ Chủ tịch APEC 2024 của Peru lần này là khôi phục sự đồng thuận trong diễn đàn, sau hai năm gián đoạn do sự phức tạp của tình hình quốc tế hiện nay. 

APEC 2024 mở cánh cửa mới cho hợp tác kinh tế Peru - Việt Nam - Ảnh 2

Tính đến khi kết thúc, tại kỳ APEC này đã diễn ra việc ký kết nhiều tuyên bố cấp Bộ trưởng và năm công cụ chính sách kỹ thuật về kinh tế dung nạp đối với người khuyết tật; Phát triển phát thải thấp hydrogen trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Các nguyên tắc để ngăn chặn và giảm thiểu lãng phí thực phẩm; Sáng kiến Chuyển đổi Năng lượng công bằng; Sáng kiến Tài chính bền vững cho việc chia sẻ thông tin tự nguyện và nâng cao năng lực về các vấn đề tài chính bền vững. Sau cùng, tại Hội nghị Cấp cao các nhà lãnh đạo APEC, văn kiện quan trọng nhất của APEC kỳ này đã được đồng thuận thông qua: Lộ trình chuyển đổi sang nền kinh tế chính thức và toàn cầu.

APEC 2024 có tác động như thế nào tới quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Peru, thưa bà? 

Chuyến thăm Peru của Chủ tịch nước Lương Cường cùng với Đoàn lãnh đạo cấp cao và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ góp phần đưa hai nền kinh tế xích lại gần nhau hơn, đồng thời giúp thiết lập các mối liên hệ, từ đó mang lại các dự án hợp tác, cơ hội kinh doanh và đầu tư mới. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một nguyên thủ Việt Nam tới Peru, đánh dấu một mốc quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ vào ngày 14/11 vừa qua. Chuyến thăm này tái khẳng định mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Peru, đồng thời khẳng định Việt Nam là đối tác thương mại chính của Peru tại Đông Nam Á và Peru là một trong những điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư Việt Nam ở Nam Mỹ.

Thêm vào đó, các ưu đãi thuế quan của Hiệp định CPTPP dự kiến sẽ giúp thương mại song phương trở nên năng động hơn, song song với việc tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường cho sản phẩm hai nước, chẳng hạn như quả quýt của Peru - hiện đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng.

APEC 2024 mở cánh cửa mới cho hợp tác kinh tế Peru - Việt Nam - Ảnh 3

Kể từ năm 2020, kim ngạch thương mại song phương đã vượt mức 500 triệu đô la Mỹ, đưa Việt Nam thành đối tác thương mại lớn nhất của Peru tại Đông Nam Á. Tổng trao đổi thương mại đã đạt hơn 700 triệu đô la Mỹ trong năm 2023, và từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2024, đạt 509 triệu đô la so với 483 triệu đô la cùng kỳ năm 2023. Việt Nam xuất khẩu thiết bị điện tử và giày dép sang Peru, trong khi Peru xuất sang Việt Nam nhiều sản phẩm khác nhau bao gồm kẽm, bột cá, gỗ, thủy hải sản, hạt diêm mạch, hạt chia và quả nho tươi. Mối quan hệ thương mại này cho thấy rõ sự trao đổi tương hỗ, trong đó mỗi nước tận dụng thế mạnh sản xuất của mình để đáp ứng nhu cầu thị trường của nước kia.

Bà có lời khuyên nào cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng như Peru có mong muốn gia nhập thị trường của nhau?

Peru là quốc gia xuất khẩu quan trọng sản phẩm đồng, lithium và các khoáng sản thiết yếu khác cho sản xuất sản phẩm công nghiệp bán dẫn và pin, điều này tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác trong chuỗi cung ứng công nghệ. Ngoài ra, các sáng kiến của Chính phủ Peru nhằm loại bỏ thuế nhập khẩu đối với xe điện có thể mang lại lợi ích cho các thương hiệu Việt Nam như VINFAST, tiến tới xem xét Peru như một thị trường tiềm năng.

Ở chiều ngược lại, đối với các doanh nghiệp Peru muốn vào thị trường Việt Nam, chìa khóa nằm ở sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam và nhu cầu cao về khoáng sản, thực phẩm và sản phẩm tự nhiên chất lượng cao. Ngoài nhu cầu thị trường cho sản phẩm đồng và kẽm trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam đang tăng trưởng nhờ các sáng kiến của Chính phủ nhằm nâng cao năng lực sản xuất ngành công nghiệp bán dẫn, có một thị trường tiềm năng để phát triển dành cho các sản phẩm thực phẩm và thời trang chất lượng cao từ Peru.

Trân trọng cảm ơn bà!

Tin Cùng Chuyên Mục