Vào khoảng thời gian này 10 năm về trước, iPhone 4 được bán ra và tạo nên một cơn sốt trên toàn thế giới. Nhưng gần như ngay lập tức, những khách hàng "săn" thành công sản phẩm này đã nhận ra một điều kỳ lạ: Khi cầm điện thoại bằng tay trái, kết nối mạng bị mất và thậm chí là không gọi điện được.
Những tưởng chỉ là một lỗi nhỏ ở vài thiết bị nhưng nó đã nhanh chóng biến thành một trong những bê bối lớn nhất của "nhà Táo".
Hãy cùng nhìn lại scandal này và cách giải quyết của Apple:
Ngày 7/6/2010, Apple giới thiệu iPhone 4 tại hội nghị WWDC. Thời điểm đó, Apple gọi đây là "smartphone mỏng nhất từ trước đến nay" với màn hình Retina độ phân giải cao vào tính năng gọi FaceTime.
Apple bán ra iPhone 4 vào ngày 24/6/2010 với giá 199 USD. Giống như những phiên bản trước đó, iPhone 4 đã tạo nên cơn sốt trên toàn thế giới. Chỉ trong 3 ngày đầu tiên, Apple bán được 1,7 triệu sản phẩm.
Nhưng ngay sau đó, người dùng phát hiện ra lỗi khi cầm điện thoại bằng tay trái. Rất nhiều người lên các diễn đàn công nghệ để "chẩn đoán" và tìm cách khắc phục. Trên diễn đàn MacRumors, thành viên tên FFArchitect được cho là người đầu tiên phát hiện và đăng bài về hiện tượng này.
Apple nhanh chóng thừa nhận lỗi nhưng tất nhiên, họ tìm cách hạ thấp mức độ nghiêm trọng. Lúc đó, người phát ngôn của Apple nói với New York Times: "Việc cầm bất kỳ chiếc điện thoại nào cũng ảnh hưởng đến khả năng thu sóng của ăng-ten, tùy vị trí đặt".
Tiếp đến, CEO của Apple thời bấy giờ, Steve Jobs cũng xem nhẹ vấn đề và đổ lỗi cho người dùng. Ông viết trong một email: "Tất cả điện thoại đều có khu vực nhạy cảm. Chỉ cần tránh cầm như thế nữa là được". Tuyên bố "Bạn đang cầm sai cách" của Jobs thậm chí còn trở thành một meme nổi tiếng.
Thực tế là, ngay từ đầu, trong quá trình thiết kế, chuyên gia về ăng-ten của Apple, Rubén Caballero đã cảnh báo rằng sẽ có vấn đề với ăng-ten của iPhone 4. Apple đã chọn thiết kế ăng-ten thu sóng bao quanh bên ngoài thiết bị, phủ một dải kim loại để sản phẩm mỏng nhẹ hơn. Mấu chốt của vấn đề là khoảng cách giữa hai dải ăng-ten ở các góc dưới của thiết bị sẽ bị che khi người dùng cầm lên, dẫn tới giảm khả năng thu sóng.
Apple dường như phản ứng khá chậm chạp với vấn đề này. Đến ngày 2/7, công ty mới gửi thư cho khách hàng nói về nguyên nhân cột sóng bị giảm: "Khi điều tra, chúng tôi bất ngờ khi phát hiện công thức sử dụng để tính toán và hiển thị các cột sóng là hoàn toàn sai". Theo đó, iPhone 4 có thể đã hiển thị nhiều hơn 2 cột sóng so với cường độ thực sự. Vấn đề sẽ được khắc phục bằng cập nhật phần mềm.
Thế nhưng chưa dừng lại ở đó, mọi thứ trở nên tồi tệ hơn đối với Apple. Ngày 12/7, Consumer Reports tuyên bố không đề xuất iPhone 4 cho người dùng vì lỗi ăng-ten. Dù phát hiện sử dụng ốp viền giá 29 USD có thể khắc phục lỗi trên nhưng tạp chí này cho rằng Apple cần cung cấp sản phẩm hoạt động ổn định ngay từ đầu.
Sau đó, Apple đã phải tổ chức một cuộc họp báo ngày 16/7/2010. Tại đây, Jobs chính thức thừa nhận iPhone 4 có vấn đề về phần cứng. Ông nói: "Chúng tôi không hoàn hảo và chúng ta đều biết điều đó. Điện thoại của chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi đã và đang cố gắng hết sức để tìm hiểu và khắc phục vấn đề". Ông gọi sự cố này là "Antennagate".
Trong khi các nhà phân tích cho rằng Apple sẽ thay đổi thiết kế iPhone 4 và thu hồi máy lỗi, Jobs tuyên bố người dùng sẽ được tặng ốp lưng trị giá 29 USD. Còn những người đã mua sẽ được hoàn lại tiền.
Vị CEO cũng nhắc lại chính sách hoàn tiền cho người mua iPhone 4. Ông cho biết chỉ có 0,55% người mua sản phẩm này gọi đến Apple để khiếu nại về lỗi ăng-ten.
Dù đã dàn xếp khá ổn thỏa nhưng "Antennagate" vẫn là một trong những vụ bê bối lớn nhất của Apple vì phản ứng chậm chạp của công ty và thái độ đổ lỗi cho người dùng của Jobs. Và câu chuyện cuối cùng cũng khép lại năm 2012, khi Apple giải quyết vụ kiện tập thể liên quan đến lỗi ăng-ten trên iPhone 4 bằng cách tặng ốp lưng hoặc 15 USD tiền mặt cho mỗi người.