Cổ phiếu của Facebook vừa chứng kiến ngày thứ 2 giảm điểm mạnh. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là sự ra đi bất ngờ của nhiều nhân sự cấp cao Facebook và vụ livestream cảnh xả súng làm 49 người thiệt mạng tại nhà thờ Hồi giáo Christchurch (New Zealand).
Theo đó, Giám đốc sản phẩm Chris Cox, một trong những nhân sự cấp cao nhất của Facebook, vừa thông báo sẽ rời Facebook. Lãnh đạo WhatsApp, Chris Daniels, cũng xin nghỉ.
Giám đốc sản phẩm Chris Cox dứt áo sau hai năm khủng hoảng và bê bối của Facebook xung quanh bảo mật dữ liệu và thông tin sai lệch, The New York Times thông tin. Ông được xem là một trong những người thân cận nhất với CEO Facebook Mark Zuckerberg.
Gia nhập Facebook năm 2005 với tư cách là một trong 15 kỹ sư phần mềm đầu tiên, Chris Cox từng đứng đầu nhóm phát triển kinh doanh của Facebook và giúp xác định mô hình hoạt động của dịch vụ nhắn tin WhatsApp.
"Chúng tôi tin rằng Cox đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập sứ mệnh, giá trị và văn hóa của Facebook, anh ấy được đánh giá rất cao từ bên trong và ngoài công ty, bao gồm cả Phố Wall", JPMorgan đưa ra nhận định. Trong cơn khủng hoảng nhân sự, Facebook cũng vừa mất Phó chủ tịch WhatsApp Chris Daniels và hàng loạt nhân sự cấp cao khác.
Việc hàng loạt nhân sự cấp cao ra đi chỉ là một phần lý do khiến cổ phiếu mạng xã hội này giảm mạnh. Nguyên nhân nữa khiến Facebook “gặp hạn” là do mạng xã hội này cũng phải đối mặt với các tranh cãi về nội dung cực đoan trên nền tảng của họ. Cụ thể là việc Facebook không ngăn cản kịp thời việc kẻ sát nhân livestream cảnh xả súng hàng loạt ở New Zealand, khiến vụ thảm sát được phát trực tiếp và chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.
Ảnh hưởng vụ xả súng ở New Zealand, Facebook "bốc hơi" 21 tỷ USD.
Clement Thibault, chuyên gia phân tích của Investing đánh giá: "Việc phát trực tiếp cảnh xả súng tại New Zealand chắc chắn sẽ đặt ra nhiều câu hỏi về quy định và việc kiểm soát của Facebook. Họ đã cung cấp nền tảng cho cuộc tấn công khủng khiếp hôm nay và sẽ bị đặt câu hỏi về việc tạo điều kiện lan truyền sự cố này”.
Như Người Đưa Tin đã thông tin trước đó, ngày 15/3, tại nhà thờ Hồi giáo Christchurch (New Zealand), tay súng Brenton Tarrant đã gây ra vụ xả súng làm 49 người tử vong. Kinh hoàng hơn, kẻ sát nhân còn cả gan livestream vụ thảm sát bắt đầu bằng cảnh đeo găng tay, lái xe qua các tuyến đường ở thành phố Christchurch, tiến dần về phía nhà thờ thực hiện vụ thảm sát.
Vụ việc làm dấy lên làn sóng kêu gọi kiểm duyệt gắt gao hơn các nội dung trên mạng xã hội, mà cụ thể là Facebook.
Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid nói rằng các công ty truyền thông xã hội phải hành động để ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan trên các kênh của họ. Ông Javid viết trên Twitter: "Các bạn thực sự cần phải làm nhiều hơn YouTube, Google, Facebook, Twitter để ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan đang được quảng bá trên nền tảng của các bạn”.
Facebook đã đầu tư nhân lực để loại bỏ nội dung giả mạo khỏi nền tảng của mình bằng cách thuê hàng ngàn nhân viên để kiểm duyệt nội dung và đóng hàng trăm tài khoản đáng ngờ ở các quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, nỗ lực đó như muối bỏ bể.
Theo số liệu của công cụ theo dõi vốn hóa thị trường YCharts, Facebook đã bốc hơi hơn 21 tỷ USD chỉ trong 2 này.
Trong phiên giao dịch hôm 15/3, Facebook dẫn đầu đà giảm điểm của nhóm dịch vụ truyền thông. Sau sự cố "sập" trên toàn thế giới và việc bị điều tra hình sự tại Mỹ, cổ phiếu của Facebook có lúc giá trị cổ phiếu của hãng giảm đến 5%. Đến cuối phiên, tình hình được cải thiện khi giá trị cổ phiếu được kéo lên mức 165,96 USD, giảm 2,46% so với thời điểm mở cửa.