Ngày pháp luật

Angimex (AGM) không đủ khả năng trả lãi trái phiếu

Lam Lê

Theo thông báo AGM cho biết do tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đình trệ và gặp rất nhiều khó khăn từ tháng 4/2022 sau sự kiện ông Đỗ Thành Nhân.

CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, mã CK: AGM) mới đây đã gửi văn bản lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội thông báo về việc không đủ khả năng thanh toán khoản lãi đến hạn kỳ 3 của gói trái phiếu AGMH2223001 (kỳ trả lãi từ ngày 14/09/2022 đến ngày 14/12/2022).

Angimex (AGM) không đủ khả năng trả lãi trái phiếu - Ảnh 1

AGM đã phát hành gói trái phiếu AGMH2223001 (trái phiếu) với tổng giá trị tối đa 300 tỷ đồng (ba trăm tỷ đồng). Công ty đã thực hiện mua lại trái phiếu trước hạn với giá trị mua lại là 89,999 tỷ đồng.

Theo thông báo AGM cho biết do tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đình trệ và gặp rất nhiều khó khăn từ tháng 4/2022 sau sự kiện ông Đỗ Thành Nhân.

Bắt đầu từ ngày 14/10/2022, các cổ đông lớn nhận chuyển nhượng cổ phần đang trong quá trình soát xét tình trạng tài chính và tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty. HĐQT mới tiếp nhận cần có thời gian lập các kế hoạch tài chính, vực lại hoạt động sản xuất kinh doanh một cách nhanh chóng trong đó có kế hoạch thực hiện nghĩa vụ của AGM với gói trái phiếu AGMH2223001.

Cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường lần 2/2022 của Công ty có kế hoạch tổ chức vào ngày 14/12/2022 tuy nhiên được tạm hoãn để bổ sung hoàn thiện các nội dung trình đại hội trong đó có nội dung về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của AGM đối với gói trái phiếu mã AGMH2223001.

Sau kỳ họp Đại hội đồng cổ đông bất thường, AGM dự kiến sẽ tiến hành tổ chức Hội nghị trái chủ trong thời gian sớm nhất để xin ý kiến trái chủ đối với gói trái phiếu trên.

Cuối tháng 6, Angimex cũng từng triệu tập ĐHĐCĐ bất thường nhằm thông qua điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh 2022. Đồng thời bầu thay thế thành viên HĐQT và BKS sau khi một số cá nhân từ nhiệm, trong đó có ông Đỗ Thành Nhân.

Việc chậm trả này là do AGM kinh doanh quý III ảm đạm với chi phí tăng mạnh nhưng doanh thu đi lùi. Kết quả công ty báo lỗ ròng quý III hơn 29 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi gần 4 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu giảm 45% về còn khoảng  710,4 tỷ đồng. Doanh thu tài chính tăng 49% đạt hơn 6 tỷ đồng, tuy nhiên, chi phí tài chính cũng tăng vọt gấp 3,5 lần cùng kỳ lên hơn 20,4 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay với gần 16,4 tỷ đồng, gấp 3,3 lần.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần của AGM tăng 33%, lên gần 3.092 tỷ đồng, song lỗ ròng 35,6 tỷ đồng (cùng kỳ lãi gần 18 tỷ đồng). Về cơ cấu doanh thu, doanh thu mảng lương thực chiếm tới hơn 80%, 20% còn lại là doanh thu từ mảng bán xe Honda, phụ tùng, giống, phân bón...

Doanh thu tài chính cũng tăng mạnh gấp gần 10 lần cùng kỳ song các loại chi phí cùng giá vốn đã nhấn chìm lợi nhuận của AGM. Kết quả, Công ty lỗ ròng 35,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 18 tỷ đồng.

Năm 2022, AGM đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt hơn 8.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 70 tỷ đồng, lần lượt gấp đôi và tăng 22% so với kết quả năm 2021. 

So với kế hoạch đã điều chỉnh giảm, AGM cũng khó hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm.

Tại ngày 30/9/2022, tài sản của AGM đạt gần 1/800 tỷ đồng, giảm 3% so với đầu năm. Đáng chú ý, tiền và các khoản tiền tương đương giảm mạnh 93% còn hơn 16,5 tỷ đồng, chủ yếu do giảm tiền gửi ngân hàng.

Ngược lại, các khoản phải thu ngắn hạn tăng gần 48% (đạt hơn 815,5 tỷ đồng); đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 37% (hơn 80 tỷ đồng), trong đó ghi mới khoản đầu tư chứng khoán hơn 62,5 tỷ đồng và trích lập dự phòng khoản này gần 28 tỷ đồng.

Đầu tư tài chính dài hạn giảm 65% (còn gần 90 tỷ đồng), đây đều là khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết. Mức giảm đến từ việc Công ty không còn ghi nhận khoản đầu tư góp vốn 126 tỷ đồng vào Công ty cổ phần DAP-VINACHEM.

Nợ phải trả tại thời điểm cuối quý 3/2022 ghi nhận hơn 1.277 tỷ đồng, giảm 7% so với đầu năm. Trong đó, vay nợ thuê ngắn hạn giảm 31% còn khoảng 650 tỷ đồng, ngược chiều, vay nợ thuê dài hạn tăng 67% lên hơn 568 tỷ đồng.

Thông tin có liên quan, quý 3/2022 là thời điểm Louis Holdings chính thức rời khỏi AGM sau khi thoái toàn bộ  9,3 triệu cổ phiếu AGM (tương ứng 51,7% vốn điều lệ). Theo đó, AGM không còn là công ty con hay công ty liên kết của Louis Holdings. Ngược chiều, Công ty cổ phần Sơn Nesfor Việt Nam thông báo đã mua 1,43 triệu cổ phiếu AGM và trở thành cổ đông lớn tại Angimex vào ngày 12/10.

Ngày 29/08, HoSE thông báo đưa cổ phiếu AGM vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) với lý do AGM ghi nhận lỗ ròng trên BCTC hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2022.

Tin Cùng Chuyên Mục