Ngày pháp luật

Âm vốn chủ sở hữu, Vietravel (VTR) bán cổ phần cho quỹ đầu tư VinaCapital

Lam Lê

Tập đoàn Vietravel - cổ đông lớn nhất của VTR - đã chuyển nhượng 1.78 triệu cp VTR, tương đương 10.3% vốn, cho CTCP Quản lý Quỹ VinaCapital theo phương thức thỏa thuận. Giao dịch diễn ra ngày 23/12 với giá 24.000 đồng/cp.

Ngày 28/12, Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel, mã CK: VTR) đã công bố thông tin về việc Vinacapital chính thức trở thành cổ đông lớn tại Vietravel.

Cụ thể, Tập đoàn Vietravel - cổ đông lớn nhất của VTR - đã chuyển nhượng 1.78 triệu cp VTR, tương đương 10.3% vốn, cho CTCP Quản lý Quỹ VinaCapital theo phương thức thỏa thuận. Giao dịch diễn ra ngày 23/12 với giá 24.000 đồng/cp.

Đại diện Vietravel chia sẻ việc VinaCapital tham gia vào Vietravel sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho Công ty mở rộng nguồn vốn nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh du lịch cũng như đa dạng hóa các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh. Du lịch là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 trong suốt 2 năm qua, nhưng được kỳ vọng hồi phục nhanh và mạnh mẽ trong thời gian tới.

Trong một diễn biến khác, VTR cũng chuyển nhượng hơn 39 triệu cp, tương đương 30.22% số cổ phần tại Vietravel Airlines mà Công ty đang nắm giữ, cho Tập đoàn Vietravel. Đây là một phần của kế hoạch tái cấu trúc công ty để VTR tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi là du lịch.

Sau khi chuyển nhượng, VTR chỉ còn sở hữu số 17.8 triệu cp tại Vietravel Airlines, tương đương 13.7% vốn. Ở chiều ngược lại, Tập đoàn Vietravel sẽ tăng tỷ lệ sở hữu lên 85.8% tại Vietravel Airlines và trở thành cổ đông lớn nhất của hãng bay.

Sau khi thực hiện thành công kế hoạch chuyển nhượng cổ phần tại Vietravel Airlines, Vietravel và Vietravel Airlines sẽ trở thành các công ty thành viên trực thuộc Tập đoàn Vietravel.

Cũng nằm trong kế hoạch tái cấu trúc công ty, năm 2022, Vietravel đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần đang nắm giữ tại CTCP Dịch vụ Vận chuyển Thế giới (WorldTrans) và CTCP XNK và Phát triển Văn hóa (CDIMEX) sang Tập đoàn Vietravel.

Doanh nghiệp này chỉ giữ lại cổ phần tại các công ty có liên quan trực tiếp đến hoạt động du lịch gồm: CTCP Truyền thông & Sự kiện Đàn Ong Việt (Beevent), công ty TNHH MTV Vietravel Huế, công ty TripU và một số công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch tại các nước Mỹ, Australia, Pháp, Singapore, Campuchia, Thái Lan…

Về kết quả kinh doanh, quý 3/2022 Vietravel ghi nhận doanh thu 1.479 tỷ đồng - gấp 25 lần cùng kỳ; lãi ròng đạt 7 tỷ đồng - cải thiện so với khoản lỗ 192 tỷ hồi quý 3/2021.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, công ty đạt doanh thu 2.681 tỷ đồng - gấp 4,5 cùng kỳ năm trước. Dù lợi nhuận gộp thu về 282 tỷ đồng song do phải gánh lỗ 162 tỷ từ công ty liên doanh liên kết và lỗ tài chính khiến VTR lỗ ròng 108 tỷ đồng sau 9 tháng (cùng kỳ lỗ gần 485 tỷ đồng).

Công ty hiện đang lỗ lũy kế (tính đến 30/9) gần 294 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu chuyển từ dương 8 tỷ (hồi đầu năm) sang âm 97,5 tỷ. Lượng tiền mặt của công ty cũng giảm 1 nửa còn 55 tỷ đồng.

Được biết tại ĐHCĐ thường niên 2022, Vietravel đã thông qua kế hoạch doanh thu 3.561 tỷ đồng; lãi trước thuế 5,8 tỷ; doanh nghiệp cũng chốt không chia cổ tức trong năm này.

Đến cuối quý 3/2022, công ty đang nợ tổng cộng 2.388 tỷ đồng trong đó có gần 1.240 tỷ đồng là vay nợ tài chính.

Trước đó ngày 9/9, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã thông báo đưa cổ phiếu VTR vào diện hạn chế giao dịch do Vietravel bị âm vốn chủ sở hữu ghi nhận tại báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022.

Theo đó, hơn 16,6 triệu cổ phiếu VTR chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần từ ngày 13/9.

Tin Cùng Chuyên Mục