Đó là nhận định chung được đưa ra tại buổi tọa đàm “Nhà báo là ai? Báo chí đi về đâu khi AI sáng tạo nội dung ngày càng giỏi?”, diễn ra tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) ngày 8/4/2025.
Sự kiện quy tụ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực truyền thông, chính sách và học thuật như GS.TS Nguyễn Đức An (Đại học Bournemouth, Anh quốc), TS Phan Văn Kiền (Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông - SJC), ông Nguyễn Quang Đồng (Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông - IPS), cùng đại diện các cơ quan báo chí và giới học thuật.
Thích ứng hay tụt hậu: Áp lực chuyển đổi cho người làm báo
Một trong những điểm nhấn của buổi tọa đàm là thực trạng ứng dụng công nghệ trong ngành báo chí hiện nay. Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng IPS, đưa ra một con số đáng chú ý: trong khi 85% lãnh đạo các tòa soạn đã chủ động ứng dụng công nghệ để thấu hiểu độc giả tốt hơn, thì chỉ có khoảng 35% phóng viên thực sự sử dụng các công cụ số trong hoạt động tác nghiệp hàng ngày. "Không phải AI, mà chính sự chậm trễ trong việc thích nghi mới là yếu tố có thể khiến người làm báo bị loại khỏi cuộc chơi," ông Đồng cảnh báo.
TS. Nguyễn Quang Đồng, Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông - Hội truyền thông số Việt Nam cùng các diễn giả tham gia tọa đàm.
Đồng tình với quan điểm này, TS Phan Văn Kiền, Viện trưởng SJC, nhấn mạnh rằng AI không làm biến mất nghề báo, nhưng sẽ "làm rõ ai thực sự đang làm nghề". Ông cho rằng, việc đồng hành cùng AI không phải là để giảm tải công việc, mà là để không bị "cũ đi" trong dòng chảy thông tin liên tục thay đổi. "Nếu không tiếp cận từ bây giờ, bạn không mất việc – nhưng chắc chắn sẽ tụt hậu," TS Kiền khẳng định, đồng thời cảnh báo về những "ảo tưởng AI" đang được thổi phồng, nhưng nhấn mạnh rủi ro của việc chậm thích nghi còn lớn hơn nhiều.
TS Phan Văn Kiền – Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (SJC) – phát biểu khai mạc buổi tọa đàm “Nhà báo là ai? Báo chí đi về đâu khi AI sáng tạo nội dung ngày càng giỏi?” tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.
AI làm được gì và đâu là không gian cho nhà báo?
GS.TS Nguyễn Đức An từ Đại học Bournemouth đã trình bày những ứng dụng thực tế của AI trong các tòa soạn quốc tế: từ việc Hãng tin AP sử dụng AI để viết hàng ngàn bản tin tài chính mỗi quý, The Guardian dùng AI để trực quan hóa dữ liệu, cho đến khả năng tạo hình ảnh, video phức tạp chỉ trong vài phút bằng các công cụ như MidJourney hay Runway AI. Nhiều tòa soạn lớn như The Washington Post (với công cụ Heliograf tường thuật bầu cử, thể thao), BBC (dịch tự động, cá nhân hóa nội dung), hay các cơ quan báo chí điều tra như ProPublica, Texas Tribune (dùng AI phân tích video, âm thanh) cũng đang tích cực khai thác tiềm năng của công nghệ này.
GS.TS Nguyễn Đức An – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông về khoa học, sức khỏe và dữ liệu, Đại học Bournemouth (Anh quốc) – trình bày tại tọa đàm về vai trò không thể thay thế của nhà báo trong thời đại AI.
Tại Việt Nam, một số cơ quan báo chí như VietnamPlus, VnExpress, Báo Nhân Dân... cũng đã bắt đầu ứng dụng AI vào các khâu như tóm tắt nội dung, chuyển đổi văn bản thành giọng nói (text-to-speech), tạo ảnh minh họa, hay hỗ trợ dịch thuật.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ rõ giới hạn của AI. GS.TS Nguyễn Đức An nhấn mạnh AI thiếu tư duy bối cảnh, trí tuệ cảm xúc và không có khái niệm đạo đức khi ra quyết định biên tập. "AI không có trực giác, không thể đặt một câu hỏi sắc sảo khiến nhân vật phải im lặng suy nghĩ. Nghề báo không biến mất, nhưng cần được tái định nghĩa," ông nói. TS Phan Văn Kiền bổ sung, những gì AI chưa thể làm được – như sáng tạo nội dung độc đáo hoàn toàn mới, xây dựng kết nối cảm xúc sâu sắc với độc giả, hay tạo dựng dấu ấn cá nhân của người viết – chính là "khoảng không" để nhà báo tiếp tục khẳng định giá trị và phát triển.
Bài toán bản quyền và thách thức pháp lý
Một vấn đề gai góc khác được đặt ra là câu chuyện bản quyền trong kỷ nguyên AI tạo sinh (generative AI). Ông Nguyễn Quang Đồng bày tỏ lo ngại: "AI học từ dữ liệu khổng lồ trên Internet. Nếu không có một hành lang pháp lý đủ mạnh, các cơ quan báo chí, những người tạo ra nội dung gốc, có nguy cơ bị 'trích xuất' chất xám nhiều nhất mà không được bảo vệ hay ghi nhận xứng đáng." Vụ kiện của The New York Times chống lại OpenAI vì cho rằng mô hình AI của hãng này đã sử dụng trái phép hàng triệu bài báo (kể cả nội dung trả phí) để huấn luyện, được xem là một phép thử quan trọng, định rõ ranh giới pháp lý giữa sáng tạo của con người và sản phẩm từ máy học.
Một slide trình bày của GS.TS Nguyễn Đức An chỉ ra những giới hạn của trí tuệ nhân tạo trong hoạt động báo chí như: thiếu tư duy bối cảnh, thiếu trí tuệ cảm xúc, không có khái niệm đạo đức khi quyết định tin bài.
Rõ ràng, AI đang hiện diện và tác động ngày càng sâu rộng vào ngành báo chí. Nó không thay thế hoàn toàn vai trò của nhà báo, nhưng chắc chắn làm thay đổi căn bản cách thức làm báo – từ quy trình sản xuất, phân phối nội dung đến cách thức tương tác và giữ chân độc giả. Câu hỏi đặt ra cho các tòa soạn và từng người làm báo không còn là "có nên sử dụng AI hay không", mà là "sử dụng như thế nào" để tối ưu hóa hiệu quả công việc, đồng thời giữ vững những giá trị cốt lõi và đạo đức nghề nghiệp.
Buổi tọa đàm khép lại nhưng mở ra nhiều suy ngẫm về hành trình phía trước. Như lời TS Phan Văn Kiền, việc thích ứng với AI không phải là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc để không bị tụt hậu trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.