Ngày 2/6, Công ty Kustocem Pte. Ltd. (Kusto) với tư cách cổ đông lớn đã thông báo đơn phương triệu tập họp cổ đông bất thường của Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons.
Mục tiêu của ĐHCĐ bất thường để bầu ra HĐQT mới và thực hiện kiểm toán đặc biệt đối với hoạt động kinh doanh của Coteccons liên quan tới các vấn đề về xung đột lợi ích, các giao dịch với các bên liên quan, đặc biệt là các giao dịch giữa Coteccons và các công ty còn lại trong cái gọi là “Coteccons Group” từ thời điểm năm 2017.
"Chúng tôi không thể tiếp tục đặt niềm tin vào hội đồng quản trị và ban giám đốc hiện tại, đặc biệt là các thành viên điều hành chủ chốt gồm ông Nguyễn Bá Dương, ông Nguyễn Sỹ Công và ông Trần Quang Quân. Chúng tôi yêu cầu họ lập tức từ chức khỏi tất cả vị trí trong Coteccons", thông báo của Kusto cho biết.
Kusto - quỹ đầu tư có trụ sở tại Singapore đầu tư vào Coteccons năm 2012, sau đợt phát hành hơn 10 triệu cổ phiếu để huy động 500 tỷ đồng. Sau 8 năm hợp tác, Coteccons từ quy mô doanh thu 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận 200 tỷ đồng đã trở thành doanh nghiệp số 1 ngành xây dựng với đỉnh cao doanh thu 28.000 tỷ đồng và lợi nhuận hơn 1.500 tỷ đồng trong năm 2018.
Tòa tháp Landmark 81 tại TP.HCM được khánh thành năm đó đó cũng được xem là biểu tượng cho đỉnh cao thành công của Coteccons.
Coteccons phát triển, cổ đông Kusto cũng thu về nhiều lợi ích và trở thành cổ đông ngoại lớn nhất tại Coteccons, nắm giữ 18,32% cổ phần, đồng thời sở hữu thêm 14,67% cổ phần nữa thông qua Công ty TNHH MTV Kinh doanh và Đầu tư Thành Công.
Mặc dù vậy, tỷ lệ sở hữu càng lớn, mâu thuẫn giữa Kusto và ban lãnh đạo Coteccons càng trở nên gay gắt.
Năm 2018, 2 bên lần đầu cho thấy bất đồng khi không thể đi đến thống nhất trong việc sáp nhập các công ty thành viên vào Coteccons.
Cụ thể, theo Kusto, các cổ đông Coteccons khi đó đã đồng ý sáp nhập ít nhất 51% vốn của hai công ty xây dựng thành viên Unicons (Coteccons nắm 27% vốn) và Ricons (Coteccons năm 20%).
2 thương vụ sáp nhập này sẽ giúp gia tăng thị phần của Coteccons. Sau khi sáp nhập thành công, Coteccons sẽ có 3 trong 5 công ty xây dựng lớn nhất Việt Nam và doanh thu hợp nhất năm 2020 có thể đạt tới 3 tỷ USD.
Tuy nhiên, chỉ có hoạt động sáp nhập Unicons diễn ra suôn sẻ. Tại ĐHCĐ năm 2018, Kusto nêu quan điểm phần lớn giá trị trong Ricons lẽ ra thuộc về Coteccons vì doanh nghiệp này phát triển chủ yếu từ nhân sự, uy tín và được kiểm soát bởi một số quản lý cấp cao của Coteccons. Thương vụ không mang lại lợi ích bởi hai công ty cùng ngành nghề và phân khúc thị trường.
Đến ĐHCĐ năm 2019, ban lãnh đạo Coteccons tiếp tục gửi tờ trình xin ý kiến về chủ trương hoán đổi cổ phiếu để Coteccons sở hữu 100% Ricons trong giai đoạn 2019-2020.
Một ngày trước phiên họp thường niên 2019, phía Kusto bất ngờ thông báo sẽ không đưa ra bất cứ biểu quyết đồng ý nào cho thương vụ sáp nhập lần này, cũng như không ủy quyền cho hội đồng quản trị về chiến lược mua bán – sáp nhập (M&A).
Theo Kusto, một số thành viên trong ban lãnh đạo Coteccons đang nắm giữ đồng thời các chức vụ quản lý quan trọng tại Ricons, trong đó có vị trí chủ tịch và người đại diện theo pháp luật.
Doanh nghiệp này ngoài tư cách nhà thầu phụ của Coteccons còn là đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong lĩnh vực tổng thầu, thiết kế và thi công cùng phân khúc. Điều này đặt ra câu hỏi, lãnh đạo cấp cao của Coteccons chọn công ty đấu thầu cho dự án ra sao khi họ đồng thời quản lý cả hai doanh nghiệp cạnh tranh trực tiếp; cũng như việc phân bổ lợi nhuận cho từng bên trong các hợp đồng thế nào.
Phản ứng của Kusto khiến ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch Coteccons đề nghị không thực hiện hay bàn thảo thêm về hoạt động sáp nhập Ricons nữa. Từ cuối năm 2019 đến nay, Coteccons cũng không còn ký hợp đồng nào với Ricons.
Mặc dù vậy, việc kết quả kinh doanh của Coteccons ngày một đi xuống, trong khi Ricons ngày một thăng tiến khiến Kusto không thể ngồi im. Từ một nhà thầu phụ với doanh thu chưa đến 1.500 tỷ đồng trong năm 2012, Ricons đạt 8.750 tỷ đồng vào năm 2019. Lợi nhuận của Ricons, hiện cũng đã bằng phân nửa Coteccons.
Kusto theo đó, gửi tối hậu thư yêu cầu các ban lãnh đạo Coteccons, bao gồm cả nhà sáng lập Nguyễn Bá Dương rời khỏi công ty.
Bi kịch của Descon và Beton 6
Lá đơn của Kusto tung ra một lời kêu cứu trước viễn cảnh ban lãnh đạo Coteccons quản lý điều hành liên quan đến các xung đột lợi ích, từ đó gây thiệt hại cho cổ đông khi giá cổ phiếu bị giảm đáng kể.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào lịch sử đầu tư của Kusto và những nhà đầu tư có liên quan ở Việt Nam trong những năm qua, có thể thấy Kusto không phải là một nhà đầu tư thân thiện.
Quỹ đầu tư có nguồn gốc từ Kazakhstan đầu tư vào Việt Nam từ năm 2005 với và gắn liền với tên tuổi ông Trịnh Thanh Huy, một doanh nhân từng học tập và kinh doanh nhiều năm tại Đông Âu.
Từng là nhà sáng lập Tập đoàn Masan, năm 2006, ông Huy đã thành lập công ty Bình Thiên An - chủ đầu tư dự án Đảo Kim Cương rất thành công tại TP.HCM. Bình Thiên An cũng từng là một phần của Kusto Group.
Tuy vậy, ông Trịnh Thanh Huy thường được nhắc đến với các thương vụ thâu tóm doanh nghiệp có tính "thù địch", và sau khi bị thâu tóm nhiều doanh nghiệp kinh doanh sa sút thậm chí tuyên bố phá sản.
Công ty Xây dựng Công Nghiệp (Descon) là một ví dụ điển hình. Descon là doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong lĩnh vực xây dựng với thương hiệu uy tín và nhiều dự án trọng điểm như Dự án PRECHE (Quận 2, Tp.HCM).
Khi mới thâu tóm, nhóm cổ đông Bình Thiên An cho biết sẽ nâng cao năng lực, cách mạng hệ thống tài chính… Song tại Đại hội cổ đông đầu tiên lại xảy ra tranh cãi đầy căng thẳng liên quan đến việc "chuyển giao quyền lực" giữa hai nhóm lãnh đạo mới cũ. Kết quả, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Xuân Bảng sau 20 năm gắn bó với Descon.
Sau khi về tay nhóm cổ đông mới, Descon bị hủy niêm yết với lý do tái cấu trúc. Sóng gió chưa dừng lại, một năm sau đó, Ban kiểm soát Descon và một nhóm cổ đông bất ngờ có đơn thư kêu cứu cơ quan quản lý và cáo buộc các sai phạm tại Công ty. Thời điểm này, kinh doanh Descon cũng đi vào chuỗi ngày trầy trật. Tới cuối năm 2018, Descon gửi đơn lên TAND TP.HCM để làm thủ tục phá sản.
Không chỉ riêng Descon, Công ty Cổ phần Beton 6 cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Tiền thân là công trường đúc đà tiền áp Châu Thới thuộc Công ty RMK của Mỹ, chuyên sản xuất các loại cấu kiện bê tông cốt thép cầu đường tại Miền Nam Việt Nam.
Cái tên Beton 6 gắn liền với doanh nghiệp từ năm 2010 cũng là giai đoạn đỉnh cao của công ty này với mức lợi nhuận trên 100 tỉ đồng.
Thế nhưng, sau khi bị nhóm nhà đầu tư liên quan đến ông Trịnh Thanh Huy thâu tóm, đến cuối năm 2015, Beton 6 tiến hành hủy niêm yết khỏi HOSE với lí do tập trung việc cơ cấu doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tháng 5 vừa qua, Ban lãnh đạo Beton 6 cho biết, doanh nghiệp này cũng đang làm thủ tục tuyên bố phá sản.
Thông điệp của Coteccons
Những gì diễn ra tại Descon và Beton 6 dự báo một viễn cảnh không mấy sáng sủa tại Coteccons. Doanh nghiệp này đang ở giai đoạn xung đột nội bộ diễn ra kịch liệt, kết quả kinh doanh và giá cổ phiếu đã lao dốc trong gần 2 năm qua.
Với việc đề xuất loại bỏ ban lãnh đạo cũ, Kusto cho thấy sẵn sàng lặp lại những gì đã diễn ra trong quá khứ.
Tuy nhiên, Ban lãnh đạo Coteccons cũng ngay lập tức gửi thông báo đến các cổ đông bày tỏ quan điểm cứng rắn và phản bác lại các cáo buộc của Kusto. Bên cạnh đó, sự phát triển vượt bậc của Ricons thời gian qua có thể xem là một thông điệp mạnh mẽ của ban lãnh đạo Coteccons với Kusto.
Trong báo cáo thường niên vừa công bố ngày 2/6, Ricons đã thay đổi nhận diện thương hiệu bằng cách thay "Coteccons Group" bằng "Since 2004". Đồng thời, ban lãnh đạo công ty cũng đã đưa ra định hướng phát triển mới, hướng đến tập đoàn đa ngành với mục tiêu trở thành nhà thầu xây dựng lớn thứ 3 Việt Nam.
Song song với việc xây dựng Ricons vững mạnh, trong thông báo ‘phản pháo’ lại những tố cáo của Kusto, ban lãnh đạo Coteccons cũng khẳng định Kusto đang có âm mưu thâu tóm Coteccons.
Tổng Giám đốc Nguyễn Sỹ Công cho biết, khi ký thoả thuận cổ đông, hai bên đều thống nhất sẽ ủng hộ những quyết định cần thiết để hợp nhất Ricons vào Coteccons. Đến nay, nhóm cổ đông ngoại cho thấy đã và đang đi ngược cam kết ban đầu trong việc phát triển doanh nghiệp, chưa đóng góp trực tiếp cho hoạt động kinh doanh.
"Nhóm Kusto còn lợi dụng ưu thế cổ đông lớn nhiều lần phủ quyết những nghị quyết đã được thông qua trước đó, như chính sách về ESOP cho cán bộ nhân viên năm 2017, 2019 và kế hoạch sáp nhập công ty Ricons", ông Công cho hay.
Từ bất đồng quan điểm trong việc sáp nhập công ty liên kết, Kusto nhiều lần yêu cầu họp đại hội đồng cổ đông bất thường, gần nhất là giữa tháng 10/2019 và tháng 7/2020, để bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Bá Dương và Tổng giám đốc Nguyễn Sỹ Công.
Phía Coteccons cho hay đã bác bỏ và có công văn giải thích chi tiết cho nhóm cổ đông này. Tuy nhiên, những lập luận vô căn cứ về xung đột quyền lợi giữa nhóm quản lý với các công ty thành viên vẫn xuất hiện "nhằm mục tiêu hoàn tất thâu tóm công ty". Công ty yêu cầu Kusto phải chịu trách nhiệm với những nhận định mang tính chất thù địch và bôi nhọ danh dự của ban lãnh đạo.
Coteccons nhấn mạnh, những hành động trên đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá cổ phiếu CTD cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Bên cạnh đó, với những nhận định mang tính chất thù địch, bôi nhọ danh dự của Ban lãnh đạo Coteccons, Kusto sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với hành vi này.