Một số ngân hàng tiếp tục đẩy lãi suất ngay trong những ngày đầu quý IV-2019 nhằm chuẩn bị vốn đáp ứng nhu cầu mùa kinh doanh cao điểm của doanh nghiệp vào cuối năm.
Hiện lãi suất niêm yết ở nhóm ngân hàng "big 4" vẫn được duy trì mức ổn định 6,6%-7%/năm ở các kỳ hạn 13, 18 và 24 tháng trong khi các ngân hàng thương mại khác lãi suất các kỳ hạn này ở mức khá cao, lên đến 9%/năm.
Tuy nhiên, thực tế mức lãi suất cao ngất ngưởng đó luôn đi kèm với các điều kiện rất “khắt khe”. Cụ thể, tại LienVietPostBank và Sacombank gửi tiết kiệm từ 300 tỉ đồng trở lên mới được hưởng lãi suất 8%/năm.
Thậm chí như tại SHB để được hưởng mức lãi suất cao nhất trên thị trường với 9%/năm, khách hàng phải gửi từ 500 tỉ đồng trở lên. Tương tự, Nam Á Bank trả lãi 8,5% cuối kỳ với các khoản tiền gửi có kỳ hạn 18 tháng và 24 tháng. Eximbank cũng áp dụng mức lãi suất cao 8,4% với các khoản tiền lớn hơn 100 tỉ đồng.
“Bèo" nhất như tại SCB cũng phải gửi từ 10 tỉ đồng trở lên thì tại kỳ hạn sáu tháng khách hàng mới được hưởng lãi suất 8,21%/năm.
Trong khi đó, với những mức gửi tiền chỉ tầm 1-2 tỉ lãi suất chỉ khoảng hơn 7,5%/năm. Chẳng hạn như tại SHB, khách hàng gửi dưới 1,5 tỉ đồng theo hình thức gửi tiết kiệm online thì chỉ được nhận lãi suất 7,66%/năm. Tương tự, Techcombank công bố lãi suất kỳ hạn 13 tháng đối với khoản tiền gửi dưới 1 tỉ chỉ có 6,3%/năm, gửi tới kỳ hạn 18 tháng cũng chỉ có 6,8%/năm.
Hiện lãi vay mua nhà tại các ngân hàng phổ biến ở mức 12%-13%/năm. Mức ưu đãi 9%-10%/năm chỉ được áp dụng trong khoảng thời gian 3-12 tháng, sau đó cộng thêm biên độ khoảng 3,5%-4,5%/năm.
Đa số chuyên gia cho rằng mặt bằng lãi suất tiền gửi tăng theo xu hướng dự báo cầu vốn sẽ tăng mạnh trong hai quý cuối năm 2019. Còn với các khoản vay liên quan tới bất động sản sẽ tăng do chi phí đầu vào được các nhà băng điều chỉnh tăng.
Theo báo cáo của SSI, việc giảm lãi suất điều hành có thể giảm bớt áp lực thanh khoản trong giai đoạn cao điểm cuối năm, giúp lãi suất huy động và cho vay được giữ ổn định nhưng khả năng giảm trong quý IV-2019 là khá thấp.