Một trong các khoản nợ lớn nhất mà Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Agribank đang chào bán là của Doanh nghiệp tư nhân Thanh Tùng vay tại Agribank Bình Tân với giá khởi điểm 405 tỷ đồng. Trong khi đó, khoản nợ này có giá trị ghi sổ đến ngày 15/10 là hơn 708 tỷ đồng, với dư nợ gốc là trên 352 tỷ và nợ lãi là hơn 356 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo của khoản nợ bao gồm quyền sử dụng đất sản xuất kinh doanh tại huyện Bình Chánh, TP HCM có diện tích gần 7.000 m2 và tài sản hình thành trong tương lai là toàn bộ giá trị xây dựng của công trình cao ốc căn hộ Hạnh Phúc
Tài sản trên được Agribank bán theo nguyên trạng, tức có sao bán vậy. Người tham gia đấu giá khoản nợ xem xét tìm hiểu các hồ sơ khoản nợ và tự xác định tình trạng của khoản nợ theo hiện trạng thực tế.
|
Agribank đang ráo riết xử lý nợ xấu. |
Ngoài đấu giá tài sản trên, ngân hàng còn nhiều khoản nợ trên trăm tỷ đồng khác như Agribank Hưng Yên đang chào bán 7 tài sản đảm bảo của Công ty cổ phần đầu tư Royal Việt Nam, bao gồm các hệ thống máy móc, công trình xây dựng trên đất, hàng tồn kho,... với giá khởi điểm hơn 133 tỷ đồng, thời gian từ 12/11 - 30/11/ 2018.
Với tài sản thế chấp của Khoáng sản Miền Trung tại Agribank Bình Định, sau nhiều lần thông báo đấu giá hiện vẫn trong tình trạng ế ẩm. Theo đó, ngân hàng tiếp tục rao bán. Khối tài sản bảo đảm này gồm bất động sản có diện tích hơn 166.000 m2 ở Hoài Nhơn, Bình Định và các tài sản gắn liền trên đất. Giá khởi điểm là gần 151 tỷ đồng, giảm tới 46% so với mức giá đưa ra hồi tháng 3/2018.
Agribank chi nhánh Sở giao dịch cũng đang chào bán toàn bộ khoản nợ xấu của Công ty Tập đoàn Đông Thiên Phú với giá khởi điểm hơn 144 tỷ đồng. Cuộc đấu giá dự kiến tổ chức vào ngày 20/11. Mức giá khởi điểm đã giảm 16 tỷ so với thông báo trước đó, và giảm gần 100 tỷ đồng so với lần đấu giá hồi tháng 9.
Ngoài ra còn có rất nhiều tài sản khác trị giá vài tỷ đến vài chục tỷ đồng cũng đang được ngân hàng rao bán để thu hồi nợ.
Các chuyên gia cho rằng, Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua đã tạo cơ chế để xử lý nhanh nợ xấu cho các ngân hàng. Không chỉ Agribank mà nhiều ngân hàng khác trong thời gian qua đang ráo riết xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu theo Nghị quyết này. Trong đó đáng chú ý là trường hợp của Sacombank vừa qua đã rao bán loạt tài sản khủng trị giá hàng nghìn tỷ đồng.
Dự kiến trong thời gian tới, việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi các khoản nợ xấu sẽ nhanh chóng hơn nhờ việc cho phép ngân hàng được thu giữ tài sản đảm bảo mà không cần phải qua tòa án. Nhờ đó, nó sẽ tạo ra sự thuận lợi cho ngân hàng để họ có thể nhanh chóng thu hồi lại nợ và giải quyết vấn đề nợ xấu.
Agribank là một trong những ngân hàng có nhiều nợ xấu hiện nay. Theo số liệu cuối tháng 6/2018, nhà băng đang có hơn 20.000 tỷ đồng nợ xấu, ngoài ra còn có hơn 25.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành.