Trả lời chất vấn của nhà đầu tư tại Đại hội cổ đông về kế hoạch thu hồi nợ Ngân hàng Xây dựng, ông Đỗ Minh Toàn – Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết đây là khoản vay 400 tỷ đồng thông qua thị trường liên ngân hàng. Giao dịch này phát sinh vào năm 2012, được đối tác đảm bảo bằng 3 tài sản có giá trị thị trường xấp xỉ 600 tỷ đồng.
"ACB đã trích lập dự phòng theo quy định nên không có rủi ro nào. Chúng tôi đang xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước phương án xử lý tài sản này nhưng rất khó xác định thời điểm vì đề án tái cơ cấu của Ngân hàng Xây dựng đang trình Chính phủ phê duyệt", ông Toàn nói.
Lãnh đạo ACB thông tin thêm nếu đề án này được thông qua, ACB nhiều khả năng sẽ thu hồi khoản nợ để hoàn nhập dự phòng rủi ro và ghi nhận thành thu nhập bất thường. Khoảng 10% lợi nhuận của năm 2018 là thu nhập bất thường từ xử lý tài sản thế chấp nợ xấu. Trong kế hoạch 7.279 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm nay cũng có khoảng 600 tỷ đồng đến từ hoạt động này.
Bên cạnh đó, ACB đặt mục tiêu tổng tài sản và tiền gửi khách hàng năm nay tăng 15%, tín dụng tăng 13% theo hạn mức được phân bổ. Tỷ lệ cho vay trên huy động của ACB vào khoảng 78%, tiệm cận với mức trần để không tiềm ẩn rủi ro. Tỷ lệ cho vay trung – dài hạn trên tổng dư nợ hiện ở mức 50%, chủ yếu là tín dụng cá nhân như cho vay mua nhà xe, tiêu dùng và tín chấp.
Giải đáp thắc mắc về việc bán cổ phiếu quỹ bằng phân nửa giá thị trường, ACB khẳng định điều này không đúng. Nguyên nhân việc này là kết quả kinh doanh năm 2018 tích cực nên ban lãnh đạo trích quỹ khen thưởng phúc lợi 100 tỷ đồng để mua cổ phiếu quỹ với giá trung bình 16.000 đồng. Cổ phiếu này sau đó dùng để thưởng cho nhân viên.
Ban lãnh đạo ACB thừa nhận cổ phiếu đang thấp hơn giá trị thật do định hướng thị trường nên sẽ tăng cường quan hệ với nhà đầu tư. Tỷ lệ chia cổ tức năm nay là 30%, trong đó 20% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt.
Ngân hàng cũng dự kiến phát hành hơn 374 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2018, qua đó tăng vốn điều lệ lên 16,627 tỷ đồng. Nguồn vốn tăng thêm được sử dụng cho hoạt động tín dụng, đầu tư trái phiếu chính phủ, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn hoạt động, bổ sung nguồn vốn trung dài hạn; 1,706 tỷ đồng còn lại để mua sắm tài sản cố định, xây dựng cơ bản...
Cuối tháng 3, Tập đoàn J Trust (Nhật Bản) muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, ngân hàng yếu kém tại Việt Nam, trong đó có Ngân hàng Xây dựng. Tập đoàn này cho biết không chỉ tham gia góp vốn mà sẽ hỗ trợ CB về mặt công nghệ, nghiệp vụ tài chính.