Tổng số doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hóa năm 2017 và 2018 là 37 doanh nghiệp, đạt 31,5% so với kế hoạch, số lượng doanh nghiệp chưa hoàn thành là 76 doanh nghiệp và được điều chuyển sang giai đoạn 2019-2020, khiến áp lực cổ phần hóa ngày càng nặng nề hơn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã có công văn về việc điều chỉnh, sửa đổi danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020 gửi lấy ý kiến các bộ ngành, sau khi tổng hợp báo cáo và kiến nghị của các Bộ ngành, địa phương và tập đoàn kinh tế về điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa và tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp sau cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020.
Văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến tháng 2/2019, các Bộ, địa phương đã hoàn thành cổ phần hóa 33 doanh nghiệp thuộc kế hoạch hoàn thành cổ phần hóa năm 2017, 1 doanh nghiệp chuyển sang hình thức bán doanh nghiệp, và 3 doanh nghiệp thuộc kế hoạch hoàn thành năm 2018.
Như vậy, tổng số doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hóa năm 2017 và 2018 là 37 doanh nghiệp, đạt 31,5% so với kế hoạch, số ượng doanh nghiệp chưa hoàn thành là 76 doanh nghiệp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong số 76 doanh nghiệp chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa giai đoạn 2017-2018, các bộ, địa phương và doanh nghiệp nhà nước đề xuất được điều chỉnh lộ trình cổ phần hóa sang giai đoạn 2019-2020 đối với 73 doanh nghiệp và điều chỉnh phương án sắp xếp đối với 3 doanh nghiệp.
Đồng thời, trong tổng số 27 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa thuộc giai đoạn 2019-2020, các bộ, địa phương đề xuất điều chỉnh phương án sắp xếp đối với hai doanh nghiệp. Như vậy, tổng số doanh nghiệp cần thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2019 - 2020 là 98 doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề về tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữa tại doanh nghiệp sau cổ phần hóa, trong số 98 doanh nghiệp còn lại chưa hoàn thành cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020, các bộ, địa phương kiến nghị điều chỉnh tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp sau cổ phần hóa quy định tại quyết định số 58/2016/QĐ-TTg đối với 47 doanh nghiệp, trong đó 45 doanh nghiệp (chiếm 96%) thuộc Hà Nội (11 doanh nghiệp) và Tp.HCM (34 doanh nghiệp).
Ngành, lĩnh vực hoạt động của 47 doanh nghiệp trên chủ yếu tập trung tại một số lĩnh vực dịch vụ công ích (22 doanh nghiệp), cung cấp, phân phối nước sạch, thoát nước (5 doanh nghiệp), công viên, vườn thú, chiếu sáng đô thị, môi trường (6 doanh nghiệp), 12 doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển kinh tế ngành, địa phương và hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế khác…
Đáng chú ý, văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn cho biết, một số Bộ, địa phương đề xuất điều chỉnh phương án không thực hiện cổ phần hóa đối với 6 doanh nghiệp để chuyển sang hình thức sắp xếp khác (như bán, tái cơ cấu lại, Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) do một số nguyên nhân như không thể xác định được giá trị doanh nghiệp, không đáp ứng điều kiện để tiếp tục cổ phần hóa.
Trước các nội dung trên, trong phần ý kiến của mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tại các văn bản tham gia ý kiến đối với đề xuất điều chỉnh lộ trình cổ phần hóa và tỷ lệ nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp của Hà Nội và Tp.HCM, các bộ Tài chính, Nội vụ, Tư pháp đều đề nghị Hà Nội và Tp.HCM thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp theo kế hoạch phê duyệt.
Tuy nhiên, thực tế việc thực hiện cổ phần hóa 76 doanh nghiệp thuộc kế hoạch cổ phần hóa trong giai đoạn 2017-2018 đã không hoàn thành theo kế hoạch. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần có phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về việc thay đổi lộ trình hoàn thành cổ phần hóa theo đề xuất của các bộ, địa phương, doanh nghiệp nhà nước để các cơ quan này có căn cứ và cơ sở tiếp tục thực hiện quá trình cổ phần hóa.
Trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ chấp nhận kiến nghị của các Bộ, ngành và địa phương để sửa đổi các quy định tại Công văn số 991/TTg-ĐMDN thì tổng số doanh nghiệp cần thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2019-2020 là 98 doanh nghiệp.
Còn việc các Bộ, địa phương đề xuất điều chỉnh tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực công ích, cung cấp nước sạch, chiếu sáng đô thị… Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo quy định tại Quyết định số 58, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này không thuộc diện Nhà nước năm giữ cổ phần chi phối. Tuy nhiên, các địa phương đều đề xuất được nắm cổ phần trên 50% hoặc trên 65% tại doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa.
"Việc xem xét quyết định điều chỉnh tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc thẩm quyền của Thủ tướng", văn bản của bộ này nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trước mắt có thể xem xét, chấp thuận đề xuất của các Bộ, địa phương để nhà nước nắm giữ chi phối (trên 50% đến dưới 65%) tại doanh nghiệp khi thực hiện chào bán cổ phần lần đầu (IPO) (không chấp thuận đối với đề xuất thay đổi tỷ lệ Nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp trên 65%).
Sau khi hoàn thành cổ phần hóa, các Bộ, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục và khẩn trương xây dựng phương án thoái vốn đảm bảo tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp theo đúng quy định tại Quyết định số 58.