Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 trong đó tại Điều 10 quy định không được uống rượu, bia tại bảy địa điểm sau:
1. Cơ sở y tế.
2. Cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc.
3. Cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi.
4. Cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ phạm nhân và cơ sở giam giữ khác.
5. Cơ sở bảo trợ xã hội.
6. Nơi làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian làm việc, trừ địa điểm được phép kinh doanh rượu, bia.
7. Các địa điểm công cộng theo quy định của Chính phủ.
Cạnh đó, luật cũng quy định nghiêm cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia. Cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia. Cấm bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.
Cùng thời điểm có hiệu lực với Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia Nghị định 100/2019 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đường sắt cũng có hiệu lực.
Đáng chú ý, nghị định mới này đã nâng mức chế tài phạt vi phạm đối với các trường hợp vi phạm nồng độ cồn lên nhiều lần so với quy định cũ. Cụ thể, mức phạt cao nhất đối với ô tô vi phạm nồng độ cồn là từ 30 triệu đến 40 triệu đồng, tước GPLX từ 22 đến 24 tháng. Còn đối với xe máy phạt tiền từ 6 triệu đến 8 triệu đồng, tước GPLX từ 22 đến 24 tháng.