Không ít chủ shop cay đắng chấp nhận sự thật rằng, nhiều khả năng sẽ mất trắng số tiền G.N.N nợ. Vậy ship COD là gì? Loại dịch vụ chuyển phát nhanh này tiềm ẩn những rủi ro gì?
Ngừng hoạt động vì “không đủ năng lực tài chính?!”
Tối 1/9/2018, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần chuyển phát nhanh G.N.N (GNN Express) - ông Hoàng Ngọc bất ngờ công bố trên Facebook việc doanh nghiệp này phải dừng hoạt động do “không còn đủ khả năng tài chính”. Ông Hoàng Ngọc cho biết, do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, công ty đã không cân đối được thu-chi dẫn đến sử dụng và lạm dụng tiền thu hộ (COD) của khách hàng vào các hoạt động của Cty. Đáng chú ý, tổng số tiền nợ của GNN Express hiện tại lên đến 5,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Ngọc cũng thừa nhận năng lực quản lý yếu kém của mình là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Ông Ngọc cho biết, đã ra tự thú trước cơ quan pháp luật và xin hứa nhận trách nhiệm về toàn bộ sự việc. Sau đó, trang Facebook của doanh nghiệp công khai danh sách hơn 600 đối tác (bao gồm họ tên, địa chỉ, số điện thoại) mà công ty nợ tiền. Trong đó, có khách hàng chỉ bị nợ vài chục nghìn đồng, nhưng có những khách hàng bị GNN Express nợ vài trăm triệu đồng. Theo danh sách đăng tải, cửa hàng Sò Vintage đang bị nợ số tiền hơn 251 triệu đồng, Shop Linh CentreShopping bị nợ số tiền 256 triệu đồng, và 73 triệu tiền hàng chưa thu. Số lượng các khoản nợ chủ shop khác trên 100 triệu cũng khá nhiều.
Thông báo trên Facebook của Công ty G.N.N.
Ai chịu rủi ro?
Khi G.N.N tuyên bố dừng kinh doanh, không ít chủ shop bị nợ tiền rơi vào tình trạng như “ngồi trên đống lửa” bởi hàng kẹt lại, số tiền bị nợ thì không biết bao giờ được thanh toán. Chị H.T (chủ shop bán đồ xách tay Úc) bức xúc: “Sáng GNN Express còn lấy hàng của mình, đến tối thì tuyên bố phá sản. Hậu quả, tiền COD hơn 1 triệu đồng chắc mình sẽ mất. Số hàng gửi qua GNN Express mà khách chưa nhận được trị giá khoảng 11,7 triệu đồng thì không biết đang ở nơi nào khi công ty đã ngừng hoạt động. Mặc dù GNN Express cam kết sẽ giao cho một bên vận chuyển khác phát tiếp nhưng mình không tin lắm”.
COD là viết tắt của từ Cash on Delivery trong tiếng Anh, dịch tiếng Việt có nghĩa là giao hàng thu tiền hộ - tức là người mua hàng sẽ thanh toán khi nhận hàng.
Quy trình hoạt động của Công ty chuyển phát nhanh GNN - GNN Express đăng tải trên Fanpage. Ảnh: A.C
Đa số các công ty hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa ở Việt Nam đều cung cấp dịch vụ ship COD, tuy nhiên dịch vụ này có nhiều tên gọi khác nhau như: Dịch vụ ship hàng COD, vận chuyển thu tiền hộ, vận chuyển thu tiền tận nơi, gửi hàng COD, giao hàng COD, chuyển phát nhanh COD…
Theo một chuyên gia, để phát triển kinh doanh, dịch vụ ship hàng COD là điều không thể thiếu trong chiến lược của mỗi công ty. Ở Việt Nam hiện nay ship COD rất phát triển, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hai nguyên nhân chính khiến ship COD phát triển ở Việt Nam là do thói quen, tâm lý dùng hàng trước, trả tiền sau. Thứ hai, việc chuyển khoản thanh toán tiền mặt trước thường không được khách hàng tin dùng do lo ngại chất lượng sản phẩm không như sự thật quảng cáo. Chưa kể khách hàng sợ chủ shop “bùng tiền”, chuyển khoản xong rồi thì không gửi hàng nên muốn nhận hàng tận tay mới trả tiền. Còn chủ shop sợ khách nhận hàng rồi không thanh toán chuyển khoản lại nên mới có dịch vụ shipper vừa giao hàng và nhận hộ tiền luôn.
Trao đổi với PV, ông Vương Mạnh Hoàng - Chủ tịch Công ty cổ phần phân phối gốm sứ Bát Tràng - cho biết: “Rủi ro của việc ship COD là rất lớn đối với các chủ shop nếu chọn phải đối tác không uy tín. Hiện nay nhiều shop bán hàng nhỏ thường vào các group trên Facebook như “Người tìm Ship - Ship tìm người” để thuê shipper. Làm như vậy nhiều shop tránh việc ký hợp đồng phức tạp và trốn thuế. Tuy nhiên, nếu không làm việc với công ty uy tín, rủi ro cho người bán là có thể mất trắng số tiền hàng. Thời gian qua, không ít các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ làm dịch vụ ship COD bị phá sản bởi không quản lý tốt nhân sự, không quản lý được dòng tiền”.
Ông Hoàng cho biết, để tránh rủi ro, hiện công ty ông chỉ nhận ship hàng nếu khách đồng ý thanh toán trước 100% số tiền, còn đối với khách hàng ở các tỉnh khác thì chọn đối tác uy tín.
Anh Thành (chủ một shop quần áo Online) cho biết, cửa hàng của anh chỉ nhận ship COD nếu khách chuyển khoản đặt cọc 50% số tiền, nếu trường hợp khách “bùng” không chịu nhận hàng thì sẽ mất toàn bộ số tiền đặt cọc đó. Bằng cách này, shop của anh Thành chưa bao giờ gặp trường hợp khách đặt hàng, đến khi ship COD lại không nhận.
Lạm dụng tín nhiệm hay lừa đảo?
Trao đổi với PV, luật sư Vũ Thái Hà - Giám đốc Cty Luật TNHH YouMe - cho biết: "Để xem xét đây là vụ việc dân sự hay hình sự cần phải làm rõ một số vấn đề sau: Mục đích và động cơ ban đầu, trước thời điểm nhận dịch vụ chuyển phát nhanh của Công ty G.N.N là gì? Liệu Giám đốc công ty có mục đích chiếm đoạt tiền trước khi nhận dịch vụ hay mục đích chiếm đoạt tiền có sau? Số tiền 5,5 tỷ hiện đã được sử dụng như thế nào, ai là người đang chiếm dụng, liệu số tiền này có thật sự được sử dụng cho các hoạt động công ty hay cá nhân giám đốc chiếm dụng vào việc riêng? Việc Công ty G.N.N ra văn bản do ông Hoàng Ngọc ký tự nhận mình đã ra đầu thú vì hành vi "Lạm dụng tín nhiệm gây chiếm đoạt do các quyết định sử dụng COD của khách hàng cho các hoạt động công ty với tổng số tiền là 5,5 tỷ đồng" không có nghĩa ông Hoàng Ngọc sẽ bị xem xét về tội Lạm dụng tín nhiệm. Nếu mục đích chiếm đoạt tiền là có trước thời điểm nhận dịch vụ, ông Hoàng Ngọc có thể bị xem xét truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mức hình phạt đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là nghiêm khắc hơn nhiều so với tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Thêm vào đó, việc các chủ shop lo ngại khi ông Ngọc tuyên bố phá sản, căn cứ vào Điều 54 Luật Phá sản 2014, khi doanh nghiệp được tuyên bố phá sản thì tài sản phải được chia theo thứ tự như: Chi phí phá sản, Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể đã ký kết;...". Trong trường hợp, GNN Express chi trả hết các chi phí ở trên thì mới đến lượt những chủ nợ. Nếu GNN còn tài sản thì số tiền đó sẽ chia theo tỉ lệ của từng khoản nợ, còn nếu không còn tài sản để chia thì mất trắng rồi", một khách hàng bị GNN Express nợ tiền cho biết.
* COD - Cash on Delivery là hình thức thanh toán tiền mặt sau khi nhận hàng. Hiện ở Việt Nam dịch vụ ship COD đang phát triển. Tuy nhiên, bên bán chịu khá nhiều rủi ro. Bởi vì, sau một tuần nếu hãng vận chuyển không liên hệ được với bên mua, sản phẩm đó bắt buộc phải trả lại cho bên gửi. Khi đó, bên bán phải chịu phí chuyển hàng 2 chiều, phí COD. Hoặc bên bán có thể bị công ty chuyển phát nhanh "bùng tiền" hoặc nợ tiền.
L.H