Ngày pháp luật

6 sai lầm của quản lý khiến nhân viên dù làm việc online vẫn nộp đơn xin nghỉ

Ken (Tổng hợp)

(Doanhnhan.vn) - Làm quản lý không khó thế nhưng nếu mắc những sai lầm này, nhân viên sẽ bỏ bạn mà đi không nuối tiếc.

Có nhiều nguyên nhân, lý do khiến nhân viên xin nghỉ việc. Đó có thể là môi trường làm việc, cũng có thể là do chính sách quản lý thiếu chuyên nghiệp, hoặc nguyên nhân đến từ chính người sếp quản lý...

Tưởng chừng như khi làm cùng nhau thì nhân viên mới sếp mới có nhiều va chạm, khiến quyết tâm nghỉ việc tăng cao. Thế nhưng, nếu các nhà quản lý vẫn tiếp tục mắc các sai lầm này thì ngay cả khi nhân viên được cho làm việc online mùa dịch thì họ vẫn nộp đơn xin nghỉ như thường.

1. Giao việc là giao việc, không nói thêm lời nào

Đã bao giờ bạn rơi vào tình cảnh, được sếp giao cho một công việc mà chỉ nói "làm đi" và không nói thêm lời nào chưa? 

Khi bạn hỏi thêm về công việc cũng như hướng triển khai, sếp cảm thấy khó chịu không nói lời nào và rồi bạn sẽ phải tự mày mò hoàn thiện chúng đúng thời hạn. 

6 sai lầm của quản lý khiến nhân viên dù làm việc online vẫn nộp đơn xin nghỉ - Ảnh 1

Kết quả là, khi bạn gửi lại bản nghiệm thu công việc, bạn lại bị sếp mắng vì làm không đúng, sai định hướng. Sếp thì cáu giận vì nhân viên làm không tốt, còn nhân viên thì bực mình, ấm ức vì bị mắng oan. 

Thật ra, đây là sai lầm thường thấy ở các nhà quản lý. Nếu người quản lý không hướng dẫn một cách cụ thể, truyền đạt thông tin cho nhân viên cấp dưới một cách rõ ràng sẽ dễ gây hiểm nhầm. Kết quả là nhân viên thì chẳng biết chính xác họ phải làm những gì, thậm chí nếu có làm thì cũng là làm sai.

Do vậy, nhiệm vụ của các nhà quản lý là làm sao hướng dẫn, giải thích cho nhân viên của mình một cách rõ ràng những yêu cầu, cách làm như thế nào trong việc, tránh để lãng phí thời gian cứ phải làm đi làm lại.

2. Tỏ thái độ của bậc bề trên

Sự thật là không phải nói thật nhiều, nói to... thì được gọi là một người sếp biết giao tiếp giỏi. Dù trong công việc hay ngoài xã hội, bạn sẽ cảm thấy mình không được tôn trọng nếu như người đối diện/ sếp mình tỏ thái độ của một người bề trên khi nói chuyện, giao việc. 

6 sai lầm của quản lý khiến nhân viên dù làm việc online vẫn nộp đơn xin nghỉ - Ảnh 2

Và khi sếp quát tháo, ra lệnh, và xem như nhân viên như "kẻ hầu người hạ" sẽ càng làm cho mối quan hệ của bạn và sếp trở nên căng thẳng hơn mà thôi. Mà khi mối quan hệ nặng nề, sẽ mấy nhân viên muốn cố gắng cống hiến vì công việc nữa?

Hãy nhớ, người nhân viên cần có một người sếp lắng nghe, chia sẻ, chân thành - biết yêu quý, trân trọng cấp dưới, nói điều đúng vào lúc đáng nói, không quát tháo, ra lệnh... có như vậy thì nhân viên mới đồng lòng cùng sếp hoàn thành công việc một cách tốt nhất.

3. Chỉ biết hứa hẹn suông

Dù có là sếp hay không là sếp, khi bạn đã hứa thì phải làm, phải nhớ, phải thực hiện lời hứa cho tận tâm.

6 sai lầm của quản lý khiến nhân viên dù làm việc online vẫn nộp đơn xin nghỉ - Ảnh 3

Tuy nhiên, nhiều sếp vẫn đưa ra lời hứa với nhân viên một cách vô tội vạ - nào là lời hẹn thăng chức, tăng thưởng... để có thể giải quyết công việc trước mắt ở thời điểm đó. Và rồi "lời nói gió bay", sếp có hứa nhưng nhân viên cứ chờ mãi mà sếp vẫn chẳng giữ lời.

Sếp cần hiểu rằng, có người hứa thì sẽ có người hi vọng. Kì vọng càng nhiều, thất vọng càng đau. Thế nên, chỉ khi chắc chắn làm được thì mới nên cam kết, còn không đừng để nhân viên phải mong chờ.

Nếu chẳng may bạn không làm được dù cố hết sức thì cũng nên nói lời "xin lỗi" với nhân viên bởi sự im lặng không làm lời hứa mất đi.

4. Trốn tránh trách nhiệm

Là quản lý, điều đó đồng nghĩa với việc sếp sẽ là người chịu trách nhiệm lớn nhất những gì xảy ra. Thế nhưng, khi công việc không suôn sẻ, sếp lại tìm cách đổ lỗi cho người này, người kia, mà không nhận một phần trách nhiệm về mình sẽ khiến nhân viên không phục, đánh mất sự tôn trọng, niềm tin. 

Kết quả là, không sớm thì muộn, nhân viên cũng rời bỏ công ty vì có người sếp "vô trách nhiệm" như thế.

5. Không công nhận thành quả của nhân viên

Nhân viên giỏi thường làm việc với thái độ tích cực, tâm huyết cao. Do đó, họ rất dễ tụt cảm xúc nếu người sếp chỉ chăm chăm "soi" vào khuyết điểm để phê bình mà không khen ngợi, công nhận thành quả của họ.

6 sai lầm của quản lý khiến nhân viên dù làm việc online vẫn nộp đơn xin nghỉ - Ảnh 4

Sếp ơi, hãy nhớ động viên là việc làm cần thiết với nhân viên. "Nhân vô thập toàn" - ai cũng có những ưu, khuyết điểm, đừng chỉ phê bình, mà quên đi những lời khen, động viên, công nhận công sức của nhân viên đã cố gắng vì công ty. 

6. Đề ra những quy tắc không phù hợp

Quy tắc không phù hợp sẽ làm cho nhân viên cảm thấy họ đang bị “theo dõi”, gây ra sự không thoải mái khi làm việc.

Muốn công ty phát triển thì mọi thứ phải có trật tự, quy củ - đó là điều đương nhiên. Thế nhưng những quy tắc này không nên cứng nhắc, ví dụ như việc bạn sốt 39 độ nhưng vẫn phải làm việc mà không được nghỉ, hay dù tối muộn đêm khuya, lễ Tết vẫn phải làm việc bình thường mà không có thêm tiền làm ngoài giờ... 

Một khi quy tắc không phù hợp sẽ làm cho nhân viên thêm áp lực, và không thoải mái khi làm việc. Và rồi kết quả là nhân viên sẽ sớm rời bỏ công việc mà đi.

Tin Cùng Chuyên Mục