Ngày pháp luật

50.000 công nhân Vinatex tạm nghỉ việc, chuỗi cung ứng Zara, H&M bị đe doạ

Hiếu Nguyễn (theo Nikkei)

(Doanhnhan.vn) - Không chỉ dừng lại ở nền kinh tế Việt Nam, việc nhiều nhà máy dệt may đóng cửa còn đe doạ chuỗi cung ứng của Zara, H&M.

Sự sụt giảm đơn hàng của ngành dệt may trong mùa dịch Covid-19 đã đặt nhiều doanh nghiệp vào tình thế báo động. Trong đó, Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) dự tính sẽ cho tới 50.000 công nhân nghỉ việc tạm thời.

Thậm chí, nguy cơ phá sản rất có thể xảy ra nếu ảnh hưởng của dịch bệnh còn kéo dài. Câu chuyện sẽ không dừng lại ở nền kinh tế Việt Nam, mà lan rộng ra cả chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang "đất làm ăn" cho các hãng thời trang "mỳ ăn liền" như Zara hay H&M.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex, cho biết: "Khi nền kinh tế bị đóng băng, 30% đến 50% công nhân sẽ mất việc vào tháng 5". Hiện Vinatex có khoảng 200 nhà máy tại Việt Nam và hơn 100.000 công nhân. 

50.000 công nhân Vinatex tạm nghỉ việc, chuỗi cung ứng Zara, H&M bị đe doạ - Ảnh 1

Ảnh hưởng của virus corona chủng mới đã manh nha xuất hiện vào đầu tháng 2, khi hoạt động thu mua vải bắt đầu gặp khó khăn. Ngành công nghiệp dệt may tiếp tục bị giáng một đòn mạnh bởi tình hình bùng phát dịch bệnh trên toàn thế giới, bất chấp việc đã có những tín hiệu khả quan vào đầu tháng 3.

Nhu cầu may mặc ở Mỹ và châu Âu giảm mạnh do người tiêu dùng phải ở nhà để ngăn chặn bùng phát dịch. Vì vậy, các nhà cung cấp liên tục hủy đơn đặt hàng, đồng thời tạm dừng đặt đơn hàng mới.

Việt Nam đang duy trì giãn cách xã hội trên toàn quốc, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội. Tuy nhiên ngay cả khi được phép mở cửa, các nhà máy vẫn không thể hoạt động vì mọi đơn hàng đều đã bị tạm dừng. Một số nơi chuyển sang sản xuất khẩu trang để bù đắp cho hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Vinatex hiện nắm khoảng 10% thị phần tại Việt Nam, có sở hữu của Nhà nước và một cổ đông Nhật Bản (15%). 

Theo Bộ Công Thương, đơn hàng dệt may và giày dép có thể giảm khoảng 70% giá trị trong tháng 4 và tháng 5. Kể cả khi dịch Covid-19 được kiểm soát vào cuối tháng 5, Vinatex vẫn sẽ mất khoảng 1.000 tỷ đồng (khoảng 42,4 triệu USD), gấp hai lần lợi nhuận ròng của doanh nghiệp (510 tỷ đồng) vào năm 2019. Nếu hoạt động kinh tế vẫn tiếp tục bị hạn chế, nhiều khả năng một số nhà máy vừa và nhỏ của Vinatex sẽ phải ngừng hoạt động.

Mặc dù Việt Nam đang dần hiện đại hoá nền công nghiệp bằng việc mời gọi các ông lớn đa quốc gia như Samsung, dệt may vẫn được coi là ngành trọng điểm, chiếm 10% kim ngạch xuất khẩu năm 2019.

Công nhân may mặc làm việc với mức lương tối thiểu chiếm tỷ lệ lớn. Ở những khu vực có chi phí lao động rẻ, mức lương này chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng. Với tình hình hiện tại, Chính phủ đã kích hoạt gói hỗ trợ trị giá 62.000 tỷ đồng cho đối tượng lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, ước tính khoảng 20 triệu người.  

Đóng cửa các nhà máy dệt may tại Việt Nam còn đe doạ tới chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng hoạt động thu mua hàng hoá của những doanh nghiệp như Zara, H&M và Uniqlo... Bởi lẽ, châu Á đóng vai trò không thiểu thiếu trong bức tranh chung của ngành may mặc thế giới, vốn đã đẩy mạnh toàn cầu hoá trong thập kỷ qua. 

Đại diện ngành dệt may từ 6 quốc gia châu Á đã ra tuyên bố chung ngày 9/4 vừa qua, kêu gọi các thương hiệu thời trang bồi thường đầy đủ cho nhà cung cấp khi hủy đơn hàng. Những khách hàng bao gồm H&M đang giữ hợp đồng mua của họ đối với sản phẩm đã đến giai đoạn sản xuất, trong khi một số công ty khác yêu cầu gia hạn thanh toán cho các đơn đặt hàng đã hoàn tất.

Giờ đây, tôn trọng các điều khoản trong hợp đồng đang là vấn đề đáng quan tâm nhất. Trong ngành công nghiệp điện tử, bên mua thường trả tiền trước cho các nhà cung ứng để giải quyết khó khăn về dòng tiền. Hơn hết, Covid-19 là dịp để các bên bắt tay hỗ trợ lẫn nhau, không chỉ riêng lĩnh vực may mặc. 

Tin Cùng Chuyên Mục