Danh sách những thương vụ M&A cao giá nhất Việt Nam trong 10 năm qua được nhóm nghiên cứu thuộc Diễn đàn M&A thực hiện, xác lập trên cơ sở nghiên cứu độc lập của nhóm nghiên cứu với những tiêu chí đánh giá gồm quy mô, hiệu quả, ý nghĩa do Nhóm nghiên cứu xác định và tính toán.
Giá trị thương vụ được ghi nhận theo thông tin công bố hoặc theo tính toán của nhóm nghiên cứu.
Dưới đây là danh sách 5 thương vụ giá trị nhất Việt Nam, sắp xếp theo thứ tự giá trị thương vụ:
1. Thai Beverage và CTCP Nước giải khát Sài Gòn Sabeco
Lĩnh vực: Bia - rượu và nước giải khát
Cổ phần mua lại: 53,59%
Giá trị thương vụ: 4,8 tỷ USD
Thời điểm diễn ra thương vụ: 12/2017
Đây được xem là thương vụ M&A lớn nhất từ trước đến nay của ngành bia châu Á, đứng trên cả thương vụ 4 tỷ USD hồi năm 2012 khi Heineken thâu tóm ABP - công ty sở hữu nhãn bia Tiger.
Với lịch sử hơn 140 năm với các thương hiệu có tiếng như Saigon Beer và 333 Beer, Sabecohiện nắm giữ 41% thị phần ngành bia Việt Nam. Sabeco là hãng bia hàng đầu tại Việt Nam và cũng được đánh giá là thương hiệu bia thuộc top đầu ASEAN.
2. GIC Private Limited và Vinhomes
Lĩnh vực: Bất động sản
Cổ phần mua lại: n/a
Giá trị thương vụ: 1,3 tỷ USD
Thời điểm diễn ra thương vụ: 4/2018
GIC đầu tư tổng cộng 1,3 tỷ USD (tương đương 29.500 tỷ đồng) dưới 2 hình thức là đầu tư mua cổ phần của Vinhomes và cung cấp một công cụ nợ cho Vinhomes (như khoản cho vay) để thực hiện các dự án. Credit Suisse (Singapore) Limited là đơn vị tư vấn của thương vụ này.
GIC là một trong những nhà đầu tư tài chính lớn nhất trên thị trường vốn Việt Nam, tiêu biểu là các khoản đầu tư vào Masan Group (khoảng 5% cổ phần), Vietjet Air (khoảng 5%), Vinamilk (0,7%), FPT (3,5%), PAN Group, Vinasun... Tổng giá trị vào khoảng gần 15.000 tỷ đồng.
3. Central Group - Big C
Lĩnh vực: Bán lẻ
Giá trị thương vụ: 1,14 tỷ USD
Thời điểm diễn ra thương vụ: Quý 2/2016
Central Group - Tập đoàn đến từ Thái Lan đã vượt qua một loạt các đối thủ lớn để sở hữu Big C Việt Nam với giá trị thương vụ vào khoảng hơn một tỷ USD.
Trước đó, Central Group đã mua lại tỷ lệ cổ phần chi phối với Nguyễn Kim, hệ thống phân phối hàng điện tử hàng đầu; và sau đó Nguyễn Kim là đơn vị mua lại Zalora Việt Nam.
4. Singha – Masan Consumer & Masan Brewery
Lĩnh vực: Sản xuất thực phẩm
Cổ phần mua lại: 25% Masan Consumer Holdings và 33,3% Masan Brewery
Giá trị thương vụ: 1,1 tỷ USD (theo công bố ban đầu)
Thời điểm diễn ra thương vụ: Quý 4/2015
CTCP Tập đoàn Masan đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với đối tác là Tập đoàn Singha của Thái Lan. Theo công bố ban đầu, giá trị thỏa thuận lên tới 1,1 tỷ USD bao gồm vốn mới cho phép Singha sở hữu 25% cổ phần của Masan Consumer Holdings và 33,3% cổ phần Masan Brewery.
Tuy nhiên sau gần 3 năm, Singha mới chỉ giải ngân 1 lần duy nhất vào cuối tháng 1/2016 với khoản tiền 650 triệu USD, phần lớn số tiền được Masan dùng để đầu tư tài chính.
Empty
5. Bank of Tokyo - Mitsubishi UFJ – VietinBank
Cổ phần mua lại: 20%
Giá trị thương vụ: 743 triệu USD
Thời điểm diễn ra thương vụ: 12/2012
Đây là thương vụ M&A lớn nhất từ trước đến nay trong ngành ngân hàng Việt Nam và đánh dấu một mốc quan trọng đối với VietinBank kể từ sau khi ngân hàng thực hiện cổ phần hóa vào năm 2008.