Những câu chuyện thành công của Jeff Bezos, Jack Ma hay Bill Gates vốn đã trở nên quen thuộc tới mức... nhàm chán. Ngoài tư duy kinh doanh, tầm nhìn chiến lược, còn điều gì chúng ta chưa ca ngợi những thiên tài kể trên?
Trong những khía cạnh được báo chí và truyền thông thế giới khai thác, ít ai đề cập tới vai trò thầm lặng của những nhân viên, cộng sự, đối tác đứng sau hỗ trợ họ từ thuở tay trắng.
Nếu bạn chưa biết, Bill Gates sẽ chẳng bao giờ tạo ra được Microsoft hùng mạnh như bây giờ, nếu không có sự hỗ trợ về tiền bạc, ý tưởng từ người bạn quá cố Paul Allen, dù đôi khi cũng có bất đồng quan điểm sâu sắc.
Hơn hết, một cá nhân dù tài giỏi đến đâu, cũng không thể một mình kéo doanh nghiệp phát triển. Nói như vậy để thấy tầm quan trọng của việc tìm kiếm cộng sự, đối tác làm ăn. Chọn đúng, bạn có thêm một người để sẻ chia gánh nặng, hay chí ít, là chỗ dựa tinh thần để bạn vững tâm bước tiếp trên con đường chông gai, thử thách. Ngược lại, doanh nghiệp bạn đang gầy dựng có nguy cơ "nát như tương" nếu chọn sai người đồng hành.
"Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau". Thế nhưng, khoan hãy vội. Dành vài phút để đọc những điều dưới đây, có thể phần nào giúp bạn đưa ra lựa chọn sáng suốt khi tìm cộng sự, đối tác.
Không ai muốn việc kinh doanh gặp hoạ, đổ bể giữa chừng, vì vậy, bạn nên tránh hợp tác cùng những loại người này:
Kiểu người đầu tiên: Bạn bè thân quen, người thân trong gia đình
Đọc đến đây, nhiều người sẽ vội vàng phản bác: "Làm cùng bạn bè, người thân rất ăn ý, tại sao phải từ chối". Hãy nhớ, chuyện kinh doanh chẳng bao giờ đẹp đẽ như phim, sẽ luôn có những bất đồng, tranh luận giữa bạn và những người cộng sự.
Trong tình huống đó, tình cảm bạn bè, họ hàng, người thân lại chính là rào cản, khiến bạn khó có thể nói ra suy nghĩ thật của bản thân. Thông thường, một bên phải miễn cưỡng chấp nhận nhún nhường, hy sinh lợi ích chỉ vì muốn bảo toàn mối quan hệ.
Thêm vào đó, vấn đề tiền nong trở nên rất nhạy cảm khi dính dáng tới những mối quan hệ thân thiết.
Chốt lại, giống như Shark Phú đã từng nói: "Làm cùng bạn bè, thành cũng tan, mà bại cũng tan".
Kiểu người thứ hai: Người chỉ muốn góp vốn, chứ không muốn làm
Hơn hết, một cộng sự tuyệt vời là người có thể bù đắp những điểm yếu của bạn. Nếu chỉ giỏi về sales, hãy tìm kiếm một người biết làm marketing, hay có thể lên kế hoạch định hướng phát triển.
Gây ức chế hơn cả chính là những người thích góp vốn, ăn "phần trăm" lợi nhuận, nhưng lại từ chối đóng góp bất cứ công sức, thời gian nào cho công việc làm ăn, kinh doanh.
Kiểu người thứ ba: Coi nhẹ lời hứa
Để làm việc lớn, để thành công đòi hỏi tất cả thành viên trong đó phải có khả năng và phải có uy tín. Đừng vì thấy ai đó tính tình hay ho, có chút tài, sống biết điều hoặc có chút thân tình với mình mà đưa họ vào làm việc chính. Họ không giữ lời hứa thì không đáng để bạn đặt niềm tin.
"Một lần bất tín, vạn lần bất tin". Từ những doanh nghiệp lớn mạnh, hay hộ kinh doanh nhỏ lẻ, tất cả đều phải tồn tại bằng chữ "tín". Để xây dựng lòng tin với khách hàng, hãy bắt đầu ngay bằng việc loại bỏ những nhân viên, lãnh đạo "hứa lèo".
Càng đứng ở vị trí cao, càng phải giữ lời. Lãnh đạo thích hứa hẹn, vẽ vời để lấy lòng nhân viên chính là tự giết chết cơ đồ của chính mình. Không sớm thì muộn, những nhân viên tốt, có năng lực sẽ rời bỏ họ mà đi.
Và nếu rơi vào trường hợp đó, liệu doanh nghiệp có còn đủ sức để vươn lên?
Kiểu người thứ tư: Người không muốn tranh luận
Bản chất của kinh doanh là sự xung đột tạo nên những đột phá, tuy nhiên người hợp tác kinh doanh với mình lại không thích tạo ra sự đối nghịch, vậy thì chẳng có ý nghĩa gì khi hợp tác với họ.
Tuýp người kiểu này luôn thích bỏ qua những cuộc tranh cãi. Chẳng qua đó là cách để họ tránh đối đầu với thử thách. Nói cách khác, họ nhạy cảm với sự chỉ trích và ý kiến trái chiều.
Hợp tác làm ăn với những người này không giúp cho mối quan hệ kinh doanh tốt đẹp hơn, họ không muốn nói, họ cũng không tranh luận nhưng lại rất muốn bảo đảm lợi ích riêng được tốt nhất.
"Tranh luận" khác khác với "tranh cãi". Tranh luận dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, dùng lời nói để chỉ ra ưu, nhược trong ý tưởng của bản thân, từ đó vỡ ra những cách thức khác biệt nhằm nâng tầm doanh nghiệp.
Kiểu người thứ năm: Không có chính kiến riêng
Ai nói cũng "gật", cũng đồng thuận và làm theo - đó là biểu hiện điển hình của người thích "ăn bám" ý kiến.
Vì không thể có chính kiến riêng, nên họ thường mặc định suy nghĩ của người khác là ưu việt. Sẽ có thời điểm, họ được coi là "dĩ hoà vi quý", biết cách sống. Nhưng kỳ thực, doanh nghiệp sẽ mang thêm gánh nặng nếu dung dưỡng con người kiểu này.
Hợp tác với kiểu người này chỉ có 1 mình bạn tự nghĩ, tự làm từ A đến Z, trong khi đó bạn cần một người giúp hay hợp tác làm ăn đôi bên cùng có lợi mà họ chẳng thể mang đến sự đóng góp nào, thế hóa ra họ là người vô dụng. Kinh doanh không bao giờ có chỗ chứa những kiểu người đó, cần phải loại bỏ ngay kiểu người không có chính kiến ra khỏi hoạt động kinh doanh của mình.