Amancio Ortega thời điểm hiện tại (tháng 9/2019) nắm trong tay khối tài sản 67,4 tỷ USD, giàu thứ 9 thế giới. Vào thời điểm hoàng kim năm 2017, ông nhiều lần chiếm giữ vị trí người giàu nhất toàn cầu.
Thế nhưng Ortega đã trải qua quãng thời gian dài chìm trong nghèo túng, khổ sở. Đồng lương ít ỏi của bố Ortega - một công nhân - phải chia ra cho gia đình 10 miệng ăn. Năm 8 tuổi, Ortega chuyển đến La Coruña - một thành phố cảng nghèo, trị an lỏng lẻo. Ông cũng đứt đoạn chuyện học hành từ năm 14 tuổi và xin nhiều chân chạy việc - trong đó có nghề bán quần áo ngủ cho phụ nữ.
Nhờ công việc này, cậu thanh niên phát hiện ra nhiều bộ quần áo được thiết kế vô cùng tinh tế, khiến cánh phụ nữ không thể cầm lòng nhưng vì bán với giá cắt cổ nên ít người dám mở hầu bao! Từ đó, Ortega cùng người vợ "đồng cam cộng khổ" với mình - Saliya Merra - quyết định mở cửa hàng, tấn công vào thị trường mới! Đó là nơi bán những bộ quần áo đẹp như thời trang cao cấp với giá phải chăng.
Bà Mera - vợ đầu của ông trùm Ortega - mất năm 2013 ở tuổi 69 khi đã là người phụ nữ giàu nhất Tây Ban Nha
Ban đầu, Ortega tận dụng loại vẻ giá rẻ đến từ Barcelona để may sản phẩm. Sau đó, ông dần mở rộng kinh doanh, biến Zara thành hãng thời trang nhanh với giá bình dân. Ngày nay Zara đã sở hữu hệ thống bán lẻ phủ sóng rộng rãi trên khắp thế giới, được hàng triệu người ưa chuộng.
Bản thân Ortega cũng trở thành một "bố già" đầy tài năng và khôn ngoan, làm việc hết mình khiến đối thủ "hết hồn". Có được thành công đó, là nhờ vào Ortega đã đề ra và tuân thủ 5 nguyên tắc dưới đây.
1. Tốc độ là tất cả, khiến đối thủ sợ hãi với tốc độ tung hàng mới
Khi Ortega thành lập Zara năm 1975, ông đã thiết lập tốc độ kỷ lục tung ra sản phẩm mới, khiến các hãng mốt khác không theo kịp. Chiếc lược của Ortega là xả kho rồi đổi mẫu mới 2 lần/tuần, đồng thời xử lý đơn hàng trong vòng 48 giờ. Lúc bấy giờ, tốc độ này là không tưởng!
Tốc độ trở thành dấu ấn độc đáo nhất của đế chế Zara. Ví dụ như một chiếc váy tuyệt đẹp xuất hiện ở Tuần lễ Thời trang chẳng hạn, chúng cần vài tháng để phân phối đến các cửa hàng bán lẻ thì Zara đã "nẫng tay trên" bằng cách tung ra sản phẩm tương tự trong vài tuần.
Cách làm của Zara còn khiến khách hàng cảm thấy bị hối thúc, nảy sinh tâm lý mong ngóng và phải mua ngay quần áo Zara trước khi chúng biến mất khỏi kệ. "Bắt thóp" suy nghĩ đó, Ortega lại cố tình tạo ra sự khan hiếm sản phẩm, từ thứ 3 đến thứ 5 hàng tuần chỉ bán quần áo cỡ trung và những sản phẩm hot.
Mô hình "thời trang nhanh" của Zara khiến các đối thủ cảm thấy bị đe dọa!
2. Hãy ám ảnh với mong muốn của khách hàng, mặc kệ đối thủ khác đang làm gì
Theo Ortega, "khách hàng nên là người định hình mô hình kinh doanh của chúng ta". Trong một báo cáo mà ông viết năm 2010 trước khi rời chức chủ tịch Zara, Ortega khẳng định: "Khách hàng luôn phải là tâm điểm chú ý của chúng ta - cả trong lúc sáng tạo bộ sưu tập thời trang hay thiết kế các cửa hàng bán lẻ. Họ là trung tâm của hệ thống logistics và mọi hoạt động kinh doanh khác".
Để làm được như vậy, Ortega luôn khuyên các nhân viên hãy quan sát những gì mọi người đang mặc và lắng nghe những gì họ muốn. Ông không thật sự quan tâm lắm đến các show thời trang, thay vào đó đi "lùng sục" các blogger nổi tiếng, thăm dò ý kiến số đông. Từ đó, Zara sẽ làm mới hoặc điều chỉnh các sản phẩm của mình để phù hợp với xu hướng tức thì.
Phong cách tập trung vào khách hàng cũng rất được tán thành bởi ông chủ Amazon - Jeff Bezos. Năm 2015, Bezos viết thư gửi đến các cổ đông: "Hầu hết công ty đều mô tả họ tập trung vào khách hàng, nhưng chẳng mấy ai làm cho trót. Hiện giờ các công ty công nghệ lớn đều mải miết bắt chước đối thủ thôi. Họ nhìn các đối thủ xung quanh đang làm gì rồi bắt chước".
Trong khi đó, Zara của "bố già" Ortega hay Amazon của tỷ phú Bezos lại thênh thang một cõi - cứ nhắm mong muốn của khách hàng để đi theo, và nhiều khi lại tạo ra xu hướng mới.
3. Kiểm soát chuỗi cung ứng, nhanh là được không cần quá tiết kiệm
Trong khi nhiều tập đoàn thời trang đưa dây chuyền sản xuất đến Trung Quốc vì chi phí nhân công rẻ, Zara lại hoàn toàn cho sản xuất ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ma-rốc.
Thậm chí, tất cả các thành phần của sản phẩm đều đem hết về Tây Ban Nha (đại bản doanh của Zara) và do các thợ may địa phương khâu vá, hoàn thiện cuối cùng. Tất cả nhằm đảm bảo tốc độ nhanh chóng mặt, phản ứng kịp thời với xu hướng hiện tại và hạn chế hàng tồn kho.
4. Đừng quên cội nguồn của mình
Cuộc đời của "bố già" Ortega là một câu chuyện cổ tích dựng nên cơ đồ từ bàn tay trắng. Ông sinh ra trong gia đình có bố làm trong ngành đường sắt và mẹ là giúp việc, bỏ học từ năm 14 tuổi để bươn chải kiếm sống. Mẹ của ông từng bị nhiều chủ cửa hàng xem thường khi mua sắm nhu yếu phẩm cho gia đình: "Chúng tôi không thể cho chị mua thiếu được nữa!".
Sau này, khi đã là tỷ phú giàu bậc nhất thế giới, Ortega vẫn vô cùng khiêm tốn và giản dị. Ông không có một chiếc văn phòng "xịn xò" hiện đại. Ông chỉ ngồi trên một chiếc bàn đơn sơ dù là khi bàn bạc kế hoạch triệu đô với các nhà thiết kế, chuyên gia chất liệu vải và chủ bán buôn.
"Ông ấy thích đi vòng vòng trò chuyện với các nhân viên của mình" - theo tác giả nổi tiếng Covadonga O’Shea viết về ông trùm kinh doanh này.
Hiện giờ ở tuổi ngoài 80 và đã nghỉ hưu, Ortega vẫn đến văn phòng đều đặn mỗi ngày dù cách xa 10 cây số. "Bây giờ, tôi vẫn đến cùng một quán cà phê mỗi ngày và thường đi dạo ở Plaza MariaPita" - nhà sáng lập Zara chia sẻ. Ông luôn phấn khích và nóng lòng muốn nghe những ý tưởng mới.
5. Không bao giờ ngừng sáng tạo
"Điều tồi tệ nhất mà bạn có thể làm là hài lòng với bản thân mình" - Ortega từng nói năm 2007. "Tôi không bao giờ tự mãn với những điều mình đã làm, và luôn cố gắng giúp người thân hay nhân viên của mình thấm nhuần tư tưởng này. Phát triển hay là chết - nếu bạn muốn sáng tạo hơn nữa thì đừng mải nhìn về kết quả đã đạt được".
Tuy vậy, Zara cũng gây ra rất nhiều tranh cãi xung quanh 2 chữ "ý tưởng". Bản thân Ortega được gán cho biệt danh "thiên hạ đệ nhất sao chép". Ông đã tuyển dụng hơn 260 nhà thiết kế và "mượn" nhiều ý tưởng lạ từ các Tuần lễ Thời trang, sau đó mới nhào nặn lại, biến chúng trở thành sản phẩm đặc trưng của Zara. Điều này khiến nhiều tên tuổi lớn trong làng thời trang phải e ngại. Cựu giám đốc thời trang của Louis Vuitton – Daniel Pat nói rằng: "Zara có lẽ là công ty sáng tạo nhất nhưng đồng thời cũng có tính phá hoại nhất".
Quả thật các tỷ phú giàu và thành công nhất thế giới đều tạo ra nhiều cuộc khẩu chiến như thế. Bạn nghĩ sao về cách làm của "bố già" Amancio Ortega?