Năm 2021, Công ty CP Đầu tư Smart Dragon và Công ty CP Bất động sản Nhật Quang đã huy động 4.050 tỷ đồng trái phiếu để đặt cọc mua khu khách sạn, văn phòng và thương mại của dự án Spirit of Saigon do Công ty Saigon Glory làm chủ đầu tư.
Các trái phiếu này có kỳ hạn 3 năm, đáo hạn vào ngày 20/1/2024. Đến giữa năm nay, các trái chủ đã thỏa thuận với SmartDragon và Nhật Quang để thay đổi một số điều khoản liên quan tới lãi suất các lô trái phiếu.
Cụ thể các kỳ lãi suất từ kỳ thứ 1 đến thứ 9 được xác định cụ thể từng mức lãi suất cụ thể dao động từ 11% đến 12,95%. Các kỳ tính lãi tiếp theo được tính là 3%/năm.
Đáng chú ý, 2 doanh nghiệp phát hành đã đồng ý với trái chủ một điều khoản đặc biệt. Đó là nếu đến ngày 31/12/2023 mà SmartDragon và Nhật Quang không hợp đồng mua bán với Saigon Glory cho toàn bộ diện tích bất động sản đã đặt cọc mua, hoặc hai bên có thỏa thuận chấm dứt hợp đồng, thì lãi suất áp dụng cho lô trái phiếu tính từ ngày 1/11/2022 sẽ tự động điều chỉnh về mức cố định là 16%/năm.
Tính tới thời điểm hiện tại, điều khoản đặc biệt nhiều khả năng sẽ thành hiện thực khi thực trạng tại dự án Saigon Glory vẫn đang bế tắc. Dự án đang bị đình trệ sau khi hoàn thiện khối đế và một vài tầng của 2 tòa tháp. Bản thân chủ đầu tư dự án là công ty Saigon Glory cũng đang vướng vào một lô trái phiếu khác bị yêu cầu xử lý tài sản đảm bảo do không thể thanh toán khi đáo hạn.
Để triển khai dự án này, Saigon Glory cũng đã phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu, trong đó 99% số tiền huy động được dùng để trả nợ cho một ngân hàng khác. Một phần các lô trái phiếu này đã đáo hạn vào giữa năm nay nhưng doanh nghiệp không thể mua lại, dẫn đến toàn bộ lô bị tuyên bố vi phạm và phải xử lý tài sản đảm bảo.
Đến nay sau nhiều tháng, Saigon Glory vẫn chưa bàn giao tài sản đảm bảo bao gồm 100% phần vốn góp của công ty và cấu phần tháp A của dự án Spirit of Saigon cho ngân hàng quản lý tài sản đảm bảo.
Hồi đầu tháng 12, trong văn bản gửi trái chủ, ông vũ Quang Bảo, Chủ tịch HĐTV Saigon Glory cho biết đã triệu tập họp hội đồng thành viên vào ngày 23/11. Tuy nhiên, cả hai thành viên còn lại là ông Trịnh Quang Công (đại diện 40% quyền biểu quyết) và ông Nguyễn Anh Đức (đại diện 30% quyền biểu quyết) đều không tham dự. Dẫn đến Saigon Glory chưa thể ban hành nghị quyết về việc bàn giao tài sản đảm bảo.
Ngoài lý do trên, Saigon Glory cho rằng việc bàn giao con dấu, bản gốc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, điều lệ công ty, sổ đăng ký thành viên, danh sách hội đồng thành viên không phù hợp với điều kiện hiện tại và sẽ làm đóng băng mọi hoạt động của công ty.
Sau phản hồi của Saigon Glory, ngân hàng quản lý tài sản đảm bảo đã có văn bản cập nhật tiến trình bàn giao tài sản đảm bảo được gửi tới đại diện người sở hữu trái phiếu là Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI).
Theo đó, ngân hàng đã hai lần ban hành thông báo yêu cầu bàn giao tài sản đảm bảo (ngày 8/9 và 25/10) nhưng không nhận được phản hồi của Saigon Glory. Đến lần thứ 3, sau khi ra thông báo ngân hàng quản lý tài sản đảm bảo vẫn chưa thể nhận bàn giao cả phần vốn góp và phần bất động sản.
Theo ngân hàng quản lý tài sản đảm bảo, dù Saigon Glory luôn khẳng định sẵn sàng và thiện chí bàn giao tài sản nhưng sau hơn 2 tháng được yêu cầu bàn giao, công ty không thể hiện thiện chí hợp tác làm việc, liên tục kéo dài thời gian bàn giao bằng nhiều lý do, gây cản trở việc xử lý tài sản và tăng thêm thiệt hại cho trái chủ.