LNTT sau 4 tháng đạt 4.100 tỷ, hoàn thành 41% kế hoạch năm
Thông tin từ Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 4.100 tỷ đồng. Như vậy, chỉ 4 tháng, Agribank đã hoàn thành được 41% kế hoạch năm.
Đến 30/4/2019, nguồn vốn huy động của nhà băng này đạt 1.217.413 tỷ đồng. Tổng quy mô tín dụng và đầu tư đạt 1 triệu 230 tỷ đồng. Kinh doanh dịch vụ tiếp tục được đẩy mạnh, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2018. Nợ xấu tiếp tục được kiểm soát ở mức dưới 2%.
Năm 2019, Agribank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng tối thiểu 10% so với năm 2018, lợi nhuận tăng đạt mức tối thiểu 10.000 tỷ đồng. Mức lợi nhuận mục tiêu của Agribank khá tương đương với BIDV (10.300 tỷ), và thậm chí còn cao hơn VietinBank, VPBank,...
Từ một ngân hàng dẫn đầu về vốn điều lệ, Agribank nay xếp cuối trong nhóm Big 4 và khó khăn chồng chất
Mặc dù đạt được nhiều tín hiệu tích cực trong kết quả kinh doanh và quá trình tái cơ cấu, Agribank cho biết đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, trong đó, vấn đề nan giải nhất đó là “bài toán” tăng vốn. Từ một ngân hàng dẫn đầu về vốn điều lệ, hiện nay Agribank có vốn điều lệ gần 30.500 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước.
Với quy mô tài sản, nguồn vốn, đầu tư tín dụng đều trên 1 triệu tỷ đồng, dẫn đầu toàn hệ thống và thực hiện vai trò chủ đạo trong tín dụng nông nghiệp nông thôn, hàng năm tăng trưởng tín dụng từ 11-14% để đáp ứng nhu cầu vốn cho người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, từ cuối năm 2018, Nghị định 116 của Chính phủ về sửa đổi Nghị định 55 có hiệu lực đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách hàng vay vốn không có tài sản đảm bảo, tuy nhiên lại là áp lực đối với Agribank khi tỷ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn trên 70% và chủ yếu là cho vay không có tài sản bảo đảm dẫn đến quy mô tài sản có rủi ro tăng mạnh (70-80.000 tỷ đồng mỗi năm).
Cho vay nông nghiệp, nông thôn, lĩnh vực đầu tư chính của Agribank (hiện chiếm 50% thị phần toàn thị rtường) thường xuyên phải đối mặt với rủi ro thiên tai bất khả kháng, chi phí hoạt động lớn và rủi ro cao. Hơn nữa, ngoài huy động vốn cạnh tranh bình đẳng như các ngân hàng thương mại khác, trong cơ cấu tín dụng, Agribank còn phải dành một phần lớn cho các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất cho vay ưu đãi thấp song lại thường xuyên bị chậm cấp bù lãi suất.
Những khó khăn kể trên khiến cho con đường đi đến hoàng kim của Agribank trở nên gập ghềnh hơn chứ không đẹp đẽ như những con số xuất hiện trên sổ sách.