Ngày pháp luật

4 mã cổ phiếu “an toàn”, ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Lan Anh

(Doanhnhan.vn) - Trong bối cảnh đại dịch Covid 19 vẫn đang hoành hành làm cho hệ thống kinh tế toàn cầu gần như đóng băng trong gần 2 tháng vừa qua, việc lựa chọn được mã cổ phiếu tốt để đầu tư sao cho hiệu quả nhất trong giai đoạn này là một điều không dễ dàng.

Đây là 4 mã cổ phiếu được đánh giá là khá an toàn để đầu tư trung và dài hạn, giảm thiểu tối đa rủi ro cho nhà đầu tư.

1. FPT – Công ty cổ phần FPT

Hoạt động kinh doanh của FPT trong năm 2020 được đánh giá rất khả quan:

- Ngành xuất khẩu phần mềm có quy mô doanh thu lớp gấp 10.000 lần quy mô doanh thu của FPT và duy trì tốc độ tăng trưởng tiềm năng gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu.

- FPT có lợi thế cạnh tranh về nguồn lực nhân công với chất lượng cao và giá thành rẻ so với đối thủ.

- FPT đẩy mạnh chiến lược M&A với các doanh nghiệp nước ngoài để quảng bá hình ảnh và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của ngành.

4 mã cổ phiếu “an toàn”, ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 - Ảnh 1

Kết thúc 2 tháng đầu năm 2020, FPT ghi nhận doanh thu là 4.182 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 586 tỷ đồng, tăng tương ứng 18/4% và 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ suất lợi nhuận được cải thiện nhẹ, tăng từ 16.1% lên 16.7%.

Doanh thu tăng trưởng đều ở các mảng cốt lõi, đó là khối công nghệ đạt 2.182 tỷ đồng, tăng 24.4% và khối viễn thông đạt 1.762 tỷ đồng, tăng 12.3%. Lợi nhuận trước thuế tăng tương ứng là 37% và 38% so với cùng kỳ.

Về mảng công nghệ, thị trường Châu Âu và APAC trở thành điểm sáng với tăng trưởng ấn tượng 41% và 84% n/n. Các thị trường Mỹ và Nhật vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá. Về cơ cấu doanh thu quốc tế của FPT, thì trường Nhật bản chiếm tỷ trọng 51%, tiếp đến là Mỹ với 25%, APAC chiếm 15% và Châu Âu là 9%.

Doanh thu của với mảng dịch vụ viễn thông là 1.699 tỷ đồng, chiếm 96% doanh thu khối và tăng 13.4% năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế tăng 46% so với cùng kỳ do trong những tháng đầu 2019, FPT tăng chi phí khuyến mại, marketing khiến chi phí giai đoạn này tăng mạnh.

Khối giáo dục chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong doanh thu của tập đoàn nhưng cũng tăng trưởng 15% doanh thu, tương ứng 238 tỷ đồng. Tính đến thời điểm cuối tháng 2/2020, tổng số học sinh khối giáo dục đạt 46.000 học sinh, tăng 36% năm trước.

FPT đưa ra kế hoạch 32.450 tỷ đồng doanh thu và 5.510 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng khoảng 17% so với năm trước.

FPT duy trì chiến lược chuyển đổi số tiếp tục được dự báo có tốc độ tăng trưởng cao trong những năm tới, FPT đặt mục tiêu 2.520 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho khối công nghệ, tăng 27% so với năm trước.

Mục tiêu dài hạn, FPT đặt mục tiêu đạ 1 tỷ USD doanh thu vào năm 2021 và duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu 40%-50%/năm.

FPT dự kiến chi trả cổ tức bằng tiền mặt 1.000 đồng/CP trong Q2 2020, chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%, đông thời lên kế hoạch trình ĐHCĐ về việc phát hành ESOP trong giai đoạn 2021-2023.

2. VNM – Công ty cổ phần Sữa Việt Nam

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, VNM được dự phóng doanh thu năm 2020 sẽ tăng khoảng 6%, đạt tương ứng 59.768 tỷ đồng với lý do sau:

- Sữa vẫn là thực phẩm thiết yếu, do vậy, nhu cầu tiêu thụ sữa ít bị ảnh hưởng bới dịch. Trong đó, các sản phẩm giúp tăng sức đề kháng như sữa chua (chiếm 16% tỷ trọng doanh thu VNM), dự kiến tăng khoảng 17% so với năm trước.

- Do học sinh phải nghỉ ở nhà nên mảng tiêu thụ sữa trong chương trình “Sữa học đường” bị ảnh hưởng, đặc biệt trong những tháng nửa đầu năm 2020.

Biên lợi nhuận gộp trong năm 2020 sẽ được cải thiện nhẹ từ 47.2% trong năm 2019 lên 47.5% trong năm 2020 nhờ:

- Tăng tỷ trọng sản phẩm sữa chua và các hàng cao cấp có biên lợi nhuận gộp cao hơn.

- Mặt bằng giá sữa bột nguyên liệu nhập khẩu (65% đến 70% tỷ trọng chi phí nguyên liệu) kỳ vọng thấp hơn.

4 mã cổ phiếu “an toàn”, ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 - Ảnh 2

Tính đến cuối năm 2019, VNM sở hữu tổng đàn bò cung cấp sữa tươi nguyên liệu đạt 130.000 con, trong đó đang vận hành 12 trang trại chuẩn Global Gap với 30.000 con. Với mục tiêu gia tăng doanh số tiêu thụ và mở rộng thị phần, chiến lược M&A tiếp tục duy trì đến năm 2021.

Ngoài việc đang sở hữu 75% cổ phần tại CTCP GTN, VNM cũng đang xây dựng trang trại đầu tiên có quy mô 8.000 con thuộc tổ hợp trang trại bò sữa Lao-Jargo tại Lào với quy mô giai đoạn 1 là 24.000 con. Dự kiến trong quý 2 năm 2020, VNM sẽ hoàn thiện và đưa vào hoạt động trang trại bò sữa Quảng Ngãi, đồng thời dự kiến khởi công xây dựng thêm các trang trại bò sữa tại Đồng Nai, Cần Thơ và Lào.

Trong 2 tháng đầu năm 2020, nhờ giá nguyên liệu sữa giảm, biên lợi nhuận gộp trong quý 1 sẽ được cải thiện, giúp lợi nhuận trong quý này vẫn ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Thị phần VNM vẫn duy trì ở mức 61%.

Đối với hoạt động xuất khẩu, VNM vẫn đạt tỷ lệ tăng trưởng 2 chữ số. Doanh thu Drifwood bị ảnh hưởng bởi nhu cầu thấp ở California (Mỹ) trong khi ở Angkor (Campuchia) vẫn tốt.

DN dự kiến đưa cà phê hòa tan ra thị trường trong thời gian tới, nhằm đa dạng hóa sản phẩm nước giải khát và cải thiện doanh thu.

3. HPG – Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát

Dù HPG không chi trả cổ tức tiền mặt, đẩy mạnh đầu tư ảnh hưởng tới các quyết định đầu tư ngắn hạn, nhưng doanh nghiệp vẫn được kỳ vọng cao trong tương lai là do:

- HPG là công ty dẫn đầu thị trường thép tại Việt Nam, với sức khỏe tài chính và khả năng cạnh tranh mạnh mẽ với giá thành sản xuất thấp hơn hẳn so với các DN trong ngành.

- Duy trì tăng trưởng bền vững về doanh thu và lợi nhuận, ngay cả trong bối cảnh ngành thép đi xuống.

- Dự án Khu liên hợp thép Dung Quất sẽ nâng cao đáng kể năng lực sản xuất và doanh thu của công ty - gấp đôi công suất của thép dài và sản phẩm HRC mới giúp HPG tấn công vào thị trường tôn mạ (mặc dù dây chuyền này chưa thể đưa vào vận hành trong tháng 4/2020 như kế hoạch ban đầu do dịch Covid 19 khiến Tập đoàn Danieli không thể cử chuyên gia người Italia sang làm việc).

Trong tháng 2/2020, có 205.490 tấn thép xây dựng được HPG cung cấp ra thị trường, tăng nhẹ 3% n/n do năm ngoái rơi vào dịp Tết Nguyên Đán, trong đó miền Nam tăng trưởng mạnh nhất với 54.810 tấn, cao gấp 2,2 lần so với cùng kỳ, chiếm 27% sản lượng tiêu thụ nội địa, cải thiện đáng kể so với con số 18% của năm 2019, nhờ Khu liên hợp Dung Quất đi vào vận hành thương mại.

Đối với thị trường xuất khẩu, Công ty đẩy mạnh xuất khẩu phôi thép sang thị trường nước ngoài, bù đắp nhu cầu yếu hơn tại thị trường trong nước trong bối cảnh diễn biến dịch Covid 19 phức tạp và thị trường bất động sản, vật liệu xây dựng trầm lắng. Sản lượng xuất khẩu đạt trên 40.000 tấn thép xây dựng thành phẩm, tăng ~170% n/n. Trong đó, thị trường Canada chiếm 54,5% lượng xuất trong tháng, tương ứng khoảng 21.800 tấn, tiếp đến là Malaysia với 4.000 tấn.

Lũy kế 2 tháng đầu năm, HPG đưa ra 381.000 tấn thép thành phẩm ra thị trường, giảm 15% n/n, trong đó riêng tháng 1/2020 đã giảm 30% do có Tết Nguyên Đán.

Với kết quả này, Hòa Phát chỉ hoàn thành khoảng 11% kế hoạch sản lượng của năm 2020, và sẽ phải bán ra thị trường bình quân hơn 300.000 tấn/tháng trong các tháng tiếp theo. Đây có thể là một thách thức khá lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong những tháng đầu năm khi diễn biến dịch bệnh còn đang phức tạp.

4. NT2 – Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2

Lợi nhuận sau thuế 2019 vượt kế hoạch nhờ giảm mạnh chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp. Kết thúc năm 2019, NT2 ghi nhận 7.654 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm nhẹ so với cùng kỳ mặc dù sản lượng điện đạt khoảng 5 tỷ kWh, tăng 4,3% so với năm trước.

Tuy nhiên, nhờ giảm mạnh chi phí lãi vay (-16%, từ 105 tỷ đồng xuống còn 88 tỷ đồng) và chi phí quản lý doanh nghiệp (-14%, từ 101 tỷ đồng xuống còn 87 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế cuối kỳ đạt 754 tỷ đồng, giảm nhẹ khoảng 5% nhưng vẫn vượt 1,5% kế hoạch đưa ra đầu năm.

4 mã cổ phiếu “an toàn”, ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 - Ảnh 3

Lợi nhuận ròng (LNR) dự phóng giảm 14% cùng kỳ trong 2020 còn 650 tỷ đồng và cải thiện trở lại mức 740 tỷ đồng (+14% cùng kỳ) trong 2021. Lợi nhuận gộp (LNG) 2020 dự kiến giảm 11% cùng kỳ dựa trên sản lượng điện ước giảm 3% cùng kỳ và LNG/kWh giảm 8% cùng kỳ trong bối cảnh sản lượng khí Lô 06.1 và 11.2, bể Nam Côn Sơn (chiếm 46% nguồn cung khí của NT2) đang trong xu hướng giảm. Theo đó, sau khi GAS (Tổng Công ty Khí Việt Nam) đảm bảo nhu cầu khí cho các nhà máy BOT, sản lượng còn lại cung cấp cho khu vực Đông Nam Bộ có khả năng giảm 4% cùng kỳ.

Mặc dù chúng tôi điều chỉnh giảm 14% giá thành sản xuất điện so với dự phóng trước đây theo xu hướng giảm của giá dầu MFO trong thời gian gần đây, tuy nhiên điều này không làm thay đổi trọng yếu đến kết quả kinh doanh dự phóng do 85% sản lượng trong năm 2020 được bán theo Hợp đồng mua bán điện (PPA) với cơ chế chuyển ngang chi phí. Dự phóng của chúng tôi đã thể hiện các yếu tố có khả năng tác động tiêu cực đến kết quả lợi nhuận của NT2, bao gồm việc đàm phán lại PPA và sự sụt giảm của nguồn khí đầu vào.

Từ 2021, chúng tôi kỳ vọng nguồn cung khí sẽ ổn định hơn khi dự án Sao Vàng Đại Nguyệt đi vào khai thác, bên cạnh đó, POW (Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – công ty mẹ) sẽ giữ tỷ lệ trả cổ tức/lợi nhuận tạo ra của NT2 ở mức 95% nhằm nhận dòng tiền cổ tức phục vụ một phần cho dự án Nhơn Trạch 3 và 4.

Năm 2021, lợi nhuận ròng ước tính sẽ đạt 740 tỷ đồng tăng 14% cùng kỳ, dựa trên dự phóng sản lượng tăng 3% CK sau đợt trung tu trong 2020 và chi phí lãi vay, phí bảo hiểm khoản vay giảm 59% cùng kỳ còn 48 tỷ đồng.

Với những con số trên, chúng tôi tin rằng NT2 sẽ tiếp tục giữ mức cổ tức tiền mặt bình quân khoảng 2000 đồng/CP cho giai đoạn 2020 – 2023.

Nguồn: Tham khảo MBS

Tin Cùng Chuyên Mục