Bảng xếp hạng năm nay vẫn có sự hiện diện của 3 ngân hàng lớn: Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank). Không ngạc nhiên, danh sách năm nay gọi tên Vingroup.
Vietcombank dẫn đầu trong số các công ty Việt Nam với vị trí thứ 1.096, tăng tới 198 bậc so với năm 2018. BIDV tụt 2 bậc từ vị trí 1.714 xuống 1.716, VietinBank tụt 50 bậc từ 1.719 xuống hạng 1.769. Vingroup tăng 245 bậc từ vị trí 1.992 lên 1.747.
Cách đây 2 năm, bảng xếp hạng này cũng có 4 đại diện của Việt Nam là 3 ngân hàng nói trên và Công ty Sữa Việt Nam Vinamilk. Thời điểm đó, trong 3 ngân hàng, thứ hạng của VietinBank (1.633) dẫn đầu, theo sau là Vietcombank (1.656) và BIDV (1.682). Vinamilk là công ty cuối cùng, được xếp hạng 1.888.
Các công ty trong bảng xếp hạng Global 2000 (xếp hạng các công ty đại chúng lớn nhất thế giới của Forbes) chiếm hơn 40 nghìn tỷ USD doanh thu hàng năm và lên tới 186 nghìn tỷ USD tài sản toàn cầu. Xếp hạng dựa trên điểm tổng hợp của doanh thu, lợi nhuận, tài sản và giá trị thị trường. Sau một năm đầy biến động, đây là những xu hướng chính hình thành nền kinh tế toàn cầu ngày nay.
Bán tháo trái phiếu và thuế quan trả đũa là những diễn biến mới nhất trong căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. 61 nền kinh tế đã giành được ít nhất một vị trí trong bảng xếp hạng của các công ty lớn nhất thế giới, nhưng sự tập trung quyền lực chắc chắn ở Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Trong nhóm 10 nền kinh tế đứng đầu, Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai trong số ba quốc gia duy nhất có sự gia tăng về mặt số lượng các công ty lọt Global 2000 so với bảng xếp hạng trước đó. Hoa Kỳ hiện có 575 công ty trong danh sách, tăng 16 công ty và chỉ tăng ít hơn 2 công ty so với Trung Quốc.