Ngày pháp luật

30 triệu khẩu trang N95 của Mỹ ‘ế hàng' vì Trung Quốc

Thu Hằng

Rất nhiều doanh nghiệp sản xuất khẩu trang của Mỹ đang lâm vào cảnh khốn đốn do khẩu trang giá rẻ của Trung Quốc.

Theo South China Morning Post, DemeTech, nhà máy có trụ sở tại Miami, Mỹ đang khủng hoảng vì tồn 30 triệu khẩu trang N95 do không tìm được đầu ra. Những người đứng đầu nhà máy cho rằng “tai ương" này là do khẩu trang cùng loại của Trung Quốc đang bán ra thị trường với mức giá rẻ hơn nhiều lần. 

Nhiều nhà sản xuất khác của Mỹ cũng đang gặp phải tình cảnh tương tự. Tờ New York Times đưa tin vào tuần trước, gần 20 công ty như DemeTech đang phải vật lộn để bán khẩu trang N95 của họ, bất chấp lời hứa hỗ trợ các nhà sản xuất từ chính phủ.

DemeTech có 30 triệu khẩu trang chưa bán được vì không tìm được đầu ra. Ảnh: AFP
DemeTech có 30 triệu khẩu trang chưa bán được vì không tìm được đầu ra. Ảnh: AFP

Câu chuyện bắt đầu khi dịch bệnh bắt đầu lan rộng và bùng phát mãnh liệt ở Mỹ. Vào tháng 4/2020, Premier, một công ty cung cấp thiết bị cho 4.100 bệnh viện và hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Mỹ cho biết, các bệnh viện đang xảy ra tình trạng thiếu khẩu trang nghiêm trọng và nguồn cung N95 chỉ còn đủ trong ba ngày.

Ngay sau đó, Google, Amazon và Facebook buộc phải cấm quảng cáo cũng như buôn bán khẩu trang trên nền tảng của họ để ngăn chặn người dân đổ xô mua hàng dẫn đến thiếu hụt cho các nhân viên y tế tuyến đầu.

Vì vậy, DemeTech, một công ty gia đình chuyên sản xuất chỉ khâu, đã đầu tư trang thiết bị để sản xuất khẩu trang đang bị thiếu hụt. Tuy nhiên, sau 9 tháng sản xuất với số vốn bỏ ra hàng chục triệu USD, công ty này giống như nhiều doanh nghiệp sản xuất khẩu trang khác lại không tìm được đủ đầu ra. Bởi lẽ Trung Quốc, đất nước đầu tiên xuất hiện virus corona đã tung ra thị trường lượng lớn khẩu trang với mức giá cạnh tranh. 

Luis Arguello, phó chủ tịch DemeTech, cho biết: “Nhà sản xuất và người tiêu dùng đã bị mất kết nối".

Thứ nhất, các bệnh viện thích mua sỉ khẩu trang từ Trung Quốc vì nó rẻ hơn, ông nói. Một hộp 20 chiếc khẩu trang N95 của DemeTech có giá bán lẻ là 75 USD. Giá bán buôn chỉ bằng một nửa nhưng vẫn đắt hơn của Trung Quốc. “Giá của chúng tôi đắt hơn đáng kể vì công ty sử dụng nguyên liệu thô của Mỹ và lao động của Mỹ”, Arguello phân tích.

Thứ hai, các công ty Mỹ không thể bán lẻ khẩu trang vì họ không thể quảng cáo sản phẩm trên các trang thương mại điện tử do lệnh cấm của các công ty như Google và Facebook.

“Hầu hết nền tảng trực tuyến nghĩ rằng họ đang làm tốt vì muốn ưu tiên cho y tế và các bác sĩ tuyến đầu. Nhưng điều đó không còn phù hợp ở thời điểm hiện tại nữa. Đặc biệt là khi chúng tôi còn dư thừa đến khoảng 30 triệu chiếc khẩu trang đang chất đống trong kho”, ông nói.

Khẩu trang N95 được coi là tiêu chuẩn vàng giúp bảo vệ con người khỏi virus corona vì nó lọc được 95% hạt trong không khí. Ảnh: Reuters
Khẩu trang N95 được coi là tiêu chuẩn vàng giúp bảo vệ con người khỏi virus corona vì nó lọc được 95% hạt trong không khí. Ảnh: Reuters

David Hargraves, phó chủ tịch cấp cao về chuỗi cung ứng của Premier, cho biết, một năm sau khi đại dịch bùng phát, nguồn cung N95 đã vượt qua sự thiếu hụt ban đầu. Mặc dù nhu cầu về khẩu trang của thị trường vẫn rất cao, đã tăng 500% kể từ tháng 7/2020 và đây vẫn là hàng hóa bị hạn chế.

Các nhà sản xuất mới cũng đã tham gia thị trường và các bệnh viện có đủ nguồn cung trong 150 ngày. Tuy nhiên, "chúng ta cũng không nên quá lạc quan", Hargraves nói. “Bất kỳ thay đổi nào đối với mức cung và cầu hiện tại có thể nhanh chóng làm tổn hại đến thị trường mong manh này và nó trở lại tình trạng thiếu hụt trầm trọng”.

Vì vậy, thị trường cho N95 vẫn còn "hạn chế" và lệnh cấm quảng cáo trực tuyến của các nền tảng trực tuyến lớn vẫn còn hiệu lực. Premier cho biết họ có thể mua mặt nạ từ các nhà sản xuất Mỹ như DemeTech và quốc tế cho dù mức giá cao hơn mặt hàng Trung Quốc. Nhưng chính các bệnh viện mới là người quyết định cuối cùng.

Tin Cùng Chuyên Mục