Suy nghĩ sai lầm khi mua đồng hồ cũng nguy hiểm không kém gì việc đi vào một bãi mìn.
Không ít người rời khỏi cửa hàng với một chiếc đồng hồ mà họ không thực sự hài lòng. Phần lớn đều do đội ngũ sale quá tài giỏi, khách hàng bị "đưa vào chương trình" mà không hề hay biết.
Để tránh tình huống này, Hamilton Powell, CEO của Crown & Calibre, nền tảng mua bán đồng hồ cao cấp sẽ chỉ ra 3 sai lầm lớn nhất, hầu như ai cũng từng mắc phải khi chọn mua đồng hồ.
Sai lầm thứ nhất: Mua đồng hồ như một khoản đầu tư
Khi nghe báo đài nói về những chiếc Rolex trị giá hàng triệu USD được mua qua bán lại mỗi ngày, có thể bạn cũng muốn đầu tư một chiếc - chỉ cần đảm bảo nó không phải model quá mới.
"95% đồng hồ hiện đại mà bạn mua ngày nay sẽ không trở thành khoản đầu tư nào hết", Powell cho biết. "Nếu có, các thương hiệu sẽ chẳng bao giờ ra sức quảng cáo, thay vào đó, họ chỉ cần ỉm hàng và nhìn thị trường biến động".
Powell còn so sánh thị trường đồng hồ với thị trường xe hơi: "Mỗi lần lái xe ra khỏi bãi, bạn khiến nó giảm giá trị".
Bằng cách mua đồng hồ cũ, bạn sẽ trừ được khấu hao ban đầu mà chủ sở hữu trước phải trả. Trừ những siêu phẩm đồng hồ ra, hầu hết đều như vậy.
Sai lầm thứ hai: Mua chiếc đồng hồ mà số đông yêu thích
Kiểu đồng hồ mua về nghịch cho vui này được vài bữa thì chán, rất lãng phí.
Chiếc đồng hồ của bạn phải phản ánh được con người và gu thẩm mỹ của bạn, chứ không phải những người xung quanh bạn.
"Hãy mua chiếc đồng hồ mà việc nhìn ngắm nó mỗi ngày là một niềm vui", Powell nói. "Bạn sẽ phải thức dậy, xem giờ mỗi ngày. Nếu diện mạo của nó khiến bạn không thích thú, bạn sẽ nhanh chóng chán ghét nó".
Sai lầm thứ ba: Mua chiếc đồng hồ không ăn nhập với phong cách sống
Rafael Nadal thường đeo một chiếc đồng hồ Richard Mille siêu đắt tiền khi thi đấu, đến là lạ!
Sự tinh tế của con người phần nào được thể hiện qua cách sử dụng đồng hồ. Chẳng ai đeo những cỗ máy đếm thời gian bóng loáng chuyên dùng để suit-up đi bổ củi, hoặc đeo G-shock để mặc vest.
Ví dụ, Powell nói: "Nếu bạn thích hoạt động ngoài trời, hướng tới sự thô ráp bền bỉ và đáng tin cậy, bạn không nên đeo đồng hồ cơ..."
Chuẩn bị và xem xét kỹ càng chính là bí quyết.
"Tôi sở hữu rất nhiều đồng hồ vintage nhưng trước khi đeo chúng, tôi phải chắc chắn rằng mình đã đủ cẩn thận, một cú va quẹt với tường thôi là giảm giá trị."
Tóm lại, hãy kết hợp đồng hồ với phong cách sống của bạn chứ không để lối sống tuân theo chiếc đồng hồ.
Vậy, nên làm thế nào?
Mua những chiếc đồng hồ "có hồn"
Zenith Pilot Type 20, một chiếc đồng hồ phi công với núm to kinh điển.
Đồng hồ là một trong những vật dụng có nhiều câu chuyện lịch sử tuyệt vời, hay ít nhất là công chuyện về cơ khí/công nghệ. Powell khuyên chúng ta nên chọn mua những chiếc đồng hồ "kể được chuyện". Ví dụ như đồng hồ phi công (pilot watch).
Loại đồng hồ này thường có núm (crown) rất lớn, ngày nay xem ra không có tác dụng gì, đôi lúc còn cảm thấy vướng víu. Tuy nhiên, Powell cho biết, phi công trong những năm 40s thường xuyên đeo găng tay, mà đã đeo găng thì cái núm lớn một chút mới vặn được.
Sẽ khá tuyệt khi ai đó (hoặc cô gái xinh đẹp nào đó) hỏi bạn rằng: "Sao núm đồng hồ của anh to thế?"
Sau đó, bạn giải thích cho lý do vì sao, đơn giản vậy thôi cũng trở thành một câu chuyện thú vị. Không cần gì quá cao siêu, người đàn ông thực thụ cần hiểu biết cơ bản về những thứ mà hắn mang trên người.
Thử nghĩ mà xem, vẫn là câu hỏi đó nhưng bạn nói rằng: "Anh không biết, thấy đẹp thì mua thôi...", như thế rõ ràng là mất điểm rồi.
Tính linh hoạt của đồng hồ cần được đặt lên hàng đầu
"Nếu có thể, hãy mua một chiếc đồng hồ thay được nhiều loại dây", Powell chia sẻ.
Nếu mua được chiếc đồng hồ thay dây thép cũng đẹp, dây da cũng rất vừa mắt thì xin chúc mừng, bạn mua sắm khá khôn ngoan đấy.
CEO của Crown & Calibre nói thêm rằng, thay dây thôi sẽ trông giống như bạn vừa mua đồng hồ mới tinh dù chỉ phải bỏ ra số tiền nhỏ.