Ngày pháp luật

3 "ông lớn" ngân hàng cõng trên 36.000 tỷ đồng nợ xấu

Theo Tùng Lâm/ Trí thức trẻ

Nợ xấu ở cả 3 ngân hàng đều tăng mạnh so với đầu năm.

Các ngân hàng đang trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2018 và 9 tháng đầu năm. Theo báo cáo, hầu hết các ngân hàng đều đạt lợi nhuận cao hơn cùng kỳ 2017. Đáng chú ý, Vietcombank ghi nhận mức lợi nhuận cao kỷ lục trong khi Techcombank vượt qua VietinBank để trở thành ngân hàng có lãi cao thứ hai trong hệ thống còn không ít các ngân hàng nhỏ hơn đã hoàn thành kế hoạch cả năm.

Song đi cùng với lợi nhuận gia tăng thì nợ xấu của các ngân hàng cũng tăng mạnh, đặc biệt là ở 3 "ông lớn" là Vietcombank, BIDV và VietinBank.

3

 

Báo cáo cho thấy, 9 tháng đầu năm, BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế 7.254 tỷ đồng, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm trước, của Vietcombank đạt 11.683 tỷ tương đương tăng 47% và của VietinBank là 7.596 tỷ đồng với mức tăng 5% so với cùng kỳ.

Cùng đó, 3 ngân hàng lớn nhất hệ thống có tổng cộng trên 36.000 tỷ đồng nợ xấu, cao gấp rưỡi so với mức lợi nhuận trước thuế làm ra.

Cụ thể, BIDV có hơn 17.041 tỷ đồng nợ xấu, tăng 21% so với thời điểm đầu năm (tức tăng thêm gần 3 nghìn tỷ). Trong đó nợ nhóm 5 tức là nợ có khả năng mất vốn chiếm trên 7.000 tỷ đồng. Xét về tỷ con số tương đối thì tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng này chiếm 1,75% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng.

Tại Vietcombank, đến cuối quý 3, nợ xấu của ngân hàng này tăng hơn 1.200 tỷ đồng so với đầu năm lên hơn 7.400 tỷ, chiếm 1,18% dư nợ cho vay khách hàng. Tỷ lệ này tăng nhẹ so với mức 1,14% hồi đầu năm. Nợ nhóm 5 tăng mạnh hơn 2 lần lên 4.578 tỷ đồng.

Đến cuối tháng 9/2018, tổng tài sản của ngân hàng Vietcombank giảm 3,9% xuống còn 995.111 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 15% đạt 616.409 tỷ đồng, trong khi đó huy động tiền gửi của khách hàng tăng 9,2% đạt 773.406 tỷ đồng.

Tại VietinBank, nợ xấu cuối quý 3 đứng ở mức 12.127 tỷ đồng, tăng hơn 3.100 tỷ tương đương với 34,6% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ mức 1,14% hồi đầu năm lên 1,36%. Nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất (72%) trong cơ cấu nợ xấu và cũng là nhóm nợ tăng mạnh nhất trong 9 tháng đầu năm nay khi tăng tới 68% lên 8.739 tỷ đồng.

Trong một diễn biến khác, mới đây, thông tin về tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã giảm rất mạnh, từ mức hơn 2,5% đầu năm xuống chỉ còn khoảng 2% hiện nay. Còn nếu tính cả nợ xấu nội bảng, nợ xấu ngoại bảng, nợ xấu tiềm ẩn thì tổng nợ xấu của hệ thống chỉ còn khoảng 6,7%, giảm sâu so với mức trên 10% hồi năm 2016.

Tin Cùng Chuyên Mục