Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Mức độ cải thiện về môi trường đầu tư kinh doanh của các Bộ, ngành và địa phương trong năm 2018 đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao, như việc tiếp cận điện năng, khởi sự kinh doanh, cắt giảm điều kiện kinh doanh, điện tử hóa thủ tục thuế. Nhiều Bộ, ngành đã đạt tỷ lệ cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính vượt chỉ tiêu Chính phủ đề ra.
Về cắt giảm các khoản phí, lệ phí có liên quan đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đã tiến hành dự thảo 17 Thông tư điều chỉnh mức thu phí, lệ phí do các Bộ, ngành. Trong đó, dự kiến bỏ quy định thu 6 khoản phí và 4 khoản lệ phí (được chi tiết thành 17 dòng phí, lệ phí); điều chỉnh giảm mức phí đối với 21 khoản phí và 2 khoản lệ phí (được chi tiết thành 47 dòng phí, lệ phí) với mức giảm khoảng từ 5-25% so với mức hiện hành; cá biệt có một số khoản phí điều chỉnh mức giảm lớn hơn.
“Tính đến hết ngày 30/11/2018, Bộ Tài chính đã ban hành được 17/17 Thông tư, tăng 2 Thông tư so với kỳ báo cáo trước và hoàn thành 100% kế hoạch”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.
Tuy vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng “vẫn còn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi”.
Cụ thể việc xin các giấy phép con vẫn diễn ra phổ biến và gặp khó khăn. Mặc dù hầu hết các Bộ đã rất nghiêm túc và khẩn trương thực hiện nhiệm vụ về cắt giảm điều kiện kinh doanh theo hình thức một Nghị định sửa nhiều Nghị định, tuy nhiên mức độ thực chất của việc cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa đồng đều giữa các Bộ, thậm chí không đồng đều giữa các lĩnh vực khác nhau trong cùng một bộ.
Theo điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có khoảng 33% số doanh nghiệp được hỏi cho biết những khó khăn vướng mắc của họ chưa được giải quyết kịp thời quan đối thoại với chính quyền địa phương.
Mặc dù Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có hiệu lực được 1 năm nay nhưng hiện nay các DN nhỏ và vừa vẫn chưa được hưởng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thủ tục hành chính thuế, chế độ kế toán đơn giản theo quy định của Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa
Theo phản ánh của doanh nghiệp, còn nhiều doanh nghiệp bị thanh kiểm tra từ 2 lần trở lên (gần 40% số doanh nghiệp được hỏi).
“Hầu hết các doanh nghiệp được hỏi ý kiến cho biết họ chưa bao giờ tiếp một đoàn kiểm tra liên ngành nào. Các cơ quan có chức năng thanh kiểm tra vẫn đi riêng, kiểm tra riêng, khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian. Nhiều nhất trong năm đó là cơ quan thuế, cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cơ quan quản lý thị trường”, Bộ Bộ KH-ĐT cho biết.
Một trong những giải pháp được Bộ KH-ĐT đưa ra là: Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ KH-ĐT và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về chính sách ưu đãi thuế và kế toán cho DN nhỏ và vừa.
Theo đó, quy định cụ thể mức thuế suất ưu đãi thuế TNDN có thời hạn cho DNNVV theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV (dự kiến áp dụng mức thuế suất 15-17%).
Các hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm; các hộ kinh doanh sử dụng từ 10 lao động thường xuyên trở lên phải thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp.
Các DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh và các doanh nghiệp có doanh thu dưới 3 tỷ đồng được lựa chọn phương pháp tính thuế thông thường hoặc phương pháp tính thuế theo tỷ lệ doanh thu.