Ngày pháp luật

2 phương án "giải cứu" dự án Splendora An Khánh của Vinaconex

Hiếu Nguyễn

(Doanhnhan.vn) - Vinaconex trình phương án mua lại 50% cổ phần của Địa ốc Phú Long hoặc bán toàn bộ số cổ phần hiện có nhằm giải quyết bế tắc tại dự án An Khánh Splendora.

Tổng công ty cổ phần Vinaconex (Mã CK: VCG) vừa công bố tài liệu trình cổ đông tại đại hội thường niên, dự kiến sẽ diễn ra ngày 29/6 tới.

Theo đó, Vinaconex trình cổ đông phương án tái cấu trúc phần vốn tại Công ty Liên doanh TNHH phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC) - đơn vị phát triển dự án khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora) tại huyện Hoài Đức, Hà Nội. Trong cơ cấu cổ đông của An Khánh JVC, Vinaconex và Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long mỗi bên góp 50% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, theo Vinaconex, cơ cấu góp vốn tỷ lệ 50/50 là một trong những lý do gây đình trệ dự án khu đô thị Bắc An Khánh Splendora vì các vấn đề trọng yếu đều phải đạt được sự đồng thuận của 2 thành viên.

2 phương án
Dự án Splendora tại An Khánh, Hà Nội.

Đề xuất tái cấu trúc được Vinaconex trình cổ đông theo hai phương án. Thứ nhất, Vinaconex đàm phán để chuyển nhượng toàn bộ số vốn tại An Khánh JVC cho Địa ốc Phú Long, hoặc các nhà đầu tư khác có nhu cầu để thu hồi vốn, đầu tư vào dự án khác.

Phương án còn lại là Vinaconex chủ động mua lại toàn bộ phần vốn của Địa ốc Phú Long để điều hành và triển khai dự án. 

Đây là dự án được Vinaconex triển khai từ cuối năm 2006, có quy mô lớn 264,4ha. Tuy nhiên, sau 14 năm, hiện dự án mới thực hiện được 50,7 ha. Vinaconex đánh giá, nguyên nhân đình trệ được cho là xuất phát từ bất đồng quan điểm giữa hai cổ đông tham gia góp vốn. 

Trong báo cáo, An Khánh JVC ghi nhận khoản vay nợ tài chính 3.406 tỷ đồng, gây phát sinh chi phí hàng năm, tăng áp lực tài chính và tăng số lỗ luỹ kế của công ty.

"Điều này làm ảnh hưởng tới uy tín và thương hiệu đầu tư bất động sản của Vinaconex", báo cáo đánh giá. 

Muốn tăng vốn điều lệ, chuyển niêm yết cổ phiếu sang sàn HOSE

Một nội dung khác mà Vinaconex trình cổ đông là việc thông qua phương án chuyển niêm yết cổ phiếu VCG từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sang Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE). Ban lãnh đạo giải thích việc chuyển sàn nhằm bảo đảm chất lượng cổ phiếu, tính thanh khoản và dòng tiền, mang lại lợi ích cho cả nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng như cơ quản quản lý nhà nước.

Đồng thời, Vinaconex kỳ vọng niêm yết trên sàn HoSE góp phần giúp nâng cao vị thế, tạo lập uy tín, có cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, công ty muốn trình xin ý kiến đại hội trong năm nay là kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng việc phát hành cổ phiếu và chào bán cho cổ đông hiện hữu. Vinaconex đang có 441,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường và dự kiến chào bán thêm 66,26 triệu đơn vị, tương ứng tỉ lệ 15%. Giá chào bán ở mức 15.000 đồng, cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu sẽ được quyền mua 3 cổ phiếu mới.

Số tiền thu về dự kiến là 994 tỷ đồng dùng để triển khai dự án khu đô thị đại lộ Hòa Bình kéo dài tại thành phố Móng Cái (Quảng Ninh); đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Đông Anh (Hà Nội); triển khai dự án khu du lịch nghỉ dưỡng condotel resort ven biển Tuy Hòa (Phú Yên); làm vốn đối ứng cho công ty tham gia vào các dự án BOT như dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu, đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt, đoạn Nha Trang – Cam Lâm; đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo; đoạn Phan Thiết – Dầu Giây thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và các dự án đầu tư xây dựng khác.

Tin Cùng Chuyên Mục