Ngày pháp luật

19 DNNN nguy cơ hụt thu 280.000 tỷ đồng năm nay

Nguyễn Hà

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNNTDN) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng cập nhật ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất của 19 tập đoàn, tổng công ty. Báo cáo đánh giá những DN thuộc Ủy ban đang chịu “tác động kép” vì dịch bệnh và các xung đột kinh tế.

Theo số liệu, doanh thu và lợi nhuận của các tập đoàn, tổng công ty trong quý I giảm khoảng 27.400 tỷ đồng so với cùng kỳ 2019. Có 7 trên 19 DN bắt đầu không cân đối được thu chi, tổng số lỗ trên 3.700 tỷ đồng.

Theo đánh giá, Vietnam Airlines đang chịu thiệt hại nặng nề nhất khi ước lỗ khoảng 2.383 tỷ đồng, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam lỗ 572 tỷ đồng, Tập đoàn Hóa chất lỗ khoảng 440 tỷ đồng, Tổng công ty Hàng hải lỗ 111 tỷ đồng, Tổng công ty Lương lực miền Nam lỗ khoảng 97 tỷ đồng…

Dự kiến cả năm 2020, nếu dịch bệnh kéo dài, giá dầu không hồi phục, doanh thu của các tập đoàn sẽ giảm khoảng 280.000 tỷ đồng so với kế hoạch. Dự kiến 8/19 DN sẽ bị lỗ số tiền khoảng 26.000 tỷ đồng, giảm nộp thu ngân sách gần 33.000 tỷ đồng.

19 DNNN nguy cơ hụt thu 280.000 tỷ đồng năm nay - Ảnh 1
Vietnam Airlines đang chịu thiệt hại nặng nề nhất trong số các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam.

Theo tính toán, trong quý I, doanh thu của Vietnam Airlines đã giảm 6.700 tỷ so với cùng kỳ 2019, lỗ 2.383 tỷ đồng. Nếu dịch kéo dài đến quý IV, DN này ước giảm doanh thu 73.400 tỷ đồng so với kế hoạch, lỗ gần 20.000 tỷ đồng.

Tương tự, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng giảm trên 1.800 tỷ đồng lợi nhuận trong quý I. Dự kiến cả năm, ACV có thể giảm doanh thu 10.230 tỷ đồng so với kế hoạch, lợi nhuận giảm trên 9.000 tỷ đồng.

Tổng công ty Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng dự kiến doanh thu cả năm giảm 550 tỷ đồng nếu dịch kéo dài đến quý IV. Tổng công ty Đường sắt (VNR) lỗ 100 tỷ đồng trong quý I và dự kiến doanh thu năm nay giảm 700-1.000 tỷ đồng.

Giá dầu thế giới giảm khiến doanh thu quý I của Tập đoàn Dầu khí (PVN) giảm 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận giảm 4.600 tỷ đồng. Nếu giá dầu giảm xuống mức 30-55 USD/thùng thì khả năng trong năm nay, doanh thu PVN có thể hụt 23.000-141.000 tỷ đồng.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam ước lỗ cả năm khoảng 1.000 tỷ đồng. Riêng quý I, doanh nghiệp này lỗ 572 tỷ đồng.

19 DN thuộc Ủy ban đang có khoảng 600.000 lao động. Cơ quan này yêu cầu các DN phải quan tâm tới người lao động, trường hợp cắt giảm tạm thời bất khả kháng phải có chính sách hỗ trợ.

UBQLVNNTDN đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có hướng dẫn trình tự, thủ tục khơi thông nguồn vốn, để các tập đoàn, tổng công ty sớm tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng, thời hạn cho vay tối thiểu 3 năm, lãi suất 0% phục vụ nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thanh toán lương cho người lao động. 

* Liên quan lĩnh vực, tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam, theo hướng dẫn từ lãnh đạo gửi các phòng ban, hãng sẽ buộc phải cắt giảm nhân sự, điều chỉnh tiền lương để ứng phó với khủng hoảng do dịch Covid-19.

Trước đó, trong thư gửi nhân viên, lãnh đạo hãng cho biết 100 trong tổng số 106 máy bay của hãng cũng đang nằm sân không thể khai thác. Dự kiến năm 2020, hãng sẽ giảm tải cung ứng khoảng 60%, doanh thu giảm 50.000 tỷ đồng, tương đương giảm 65% so với kế hoạch. 

Hơn 50% người lao động sẽ phải ngừng việc, toàn bộ người lao động phải giảm lương. Điều này đồng nghĩa sẽ có khoảng 10.000 lao động của Vietnam Airlines sẽ ngừng việc. 

Cụ thể, với vị trí phi công, hãng sẽ ngừng việc với toàn bộ phi công nước ngoài lái Boeing 787, Airbus A350 và A321 tới hết năm 2020, trừ phi công nước ngoài lái A321 tham gia trở lại khi phục hồi sản lượng hành khách và thay thế phi công Việt Nam cách ly vì dịch.

Lãnh đạo hãng cũng chỉ đạo khuyến khích phi công Việt Nam nghỉ không lương giai đoạn tháng 4-6 và ngừng sử dụng phi công người Việt trên 60 tuổi. 

Hãng cũng ưu tiên phân lịch cho những phi công cần giờ bay nhằm đảm bảo duy trì chứng chỉ lái.

Với tiếp viên hàng không, hãng cũng ngừng sử dụng toàn bộ tiếp viên nước ngoài. Vietnam Airlines cũng ngừng việc toàn bộ lực lượng tiếp viên dư trong giai đoạn tháng 4-6 và tạm hoãn hợp đồng lao động tiếp theo của nhóm này.

Hãng cũng dừng sử dụng toàn bộ tiếp viên hợp đồng từ Công ty CP Cung ứng và XNK Lao động Hàng không (ALS) đến hết tháng 6, sử dụng dần trở lại vào tháng 7.

Đối với vị trí chuyên viên, kỹ sư, nhân viên, hãng sẽ bố trí ngừng việc 50-80% số lượng lao động hoặc bố trí giảm giờ làm trên nguyên tắc đảm bảo 50-80% lượng lao động.

Về tiền lương, phi công của hãng thực hiện chuyến bay trong giai đoạn này sẽ được hưởng 100% lương chức danh, 30% lương hiệu quả và 50% lương chuyến bay. Lương chức danh tính theo số ngày sẵn sàng bay. 

Lương vị trí tiếp viên của hãng trong mùa dịch sẽ được tính theo 100% lương chức danh và 50% lương chuyến bay.

Với các phi công và tiếp viên ngừng việc sẽ được hãng chi trả lương tối thiểu vùng.

Tin Cùng Chuyên Mục