Theo báo cáo tài chính bán niên năm 2020 của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho thấy, tính đến ngày 30/6, đầu tư tổng cộng hơn 2.500 tỷ đồng vào góp vốn, đầu tư dài hạn. Trong đó, 2.432 tỷ đồng được nhà băng này "rót" vào 5 công ty con gồm Agriseco, Abic, Dịch vụ Agribank, ALC I, Agritour.
Tuy nhiên, thu nhập từ vốn góp, mua cổ phần của ngân hàng trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 25,9 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ sinh lời chỉ hơn 1%. Kết quả này cũng không phải điều bất ngờ, bởi tỷ lệ sinh lời từ vốn góp, mua cổ phần của nhà băng này đã liên tục duy trì ở mức thấp suốt 2 năm qua. Trong năm 2018 và 2019, tỷ lệ sinh lời từ góp vốn, mua cổ phần của Agribank chỉ đạt gần 1,3%.
Sự phân hóa trong hoạt động
Trong 5 công ty con của Agribank, Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco – Mã CK: AGR) là doanh nghiệp duy nhất niêm yết trên sàn chứng khoán. Hoạt động của doanh nghiệp này đi ngang trong ba năm gần nhất, sau một giai đoạn dài thua lỗ.
Năm 2019, Agriseco tạo ra 204 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 13%, đồng thời thu về 68,2 tỷ đồng lãi sau thuế, nhích nhẹ so với cùng kỳ.
6 tháng đầu năm 2020, tổng doanh thu đạt hơn 108 tỷ đồng, tăng 13,8%. Đồng thời, công ty đã cắt giảm 5,8% chi phí hoạt động xuống mức hơn 22 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của Agriseco đạt hơn 42 tỷ đồng, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Dù kết quả có xu hướng dần cải thiện, nhưng vẫn không đủ để bù đắp khoản lỗ lũy kế của giai đoạn trước. Đến cuối quý II/2020, Agriseco vẫn còn lỗ lũy kế 318 tỷ đồng. Quy mô tổng tài sản tính đến cuối tháng 6 đạt gần 2.156 tỷ đồng.
Công ty con hoạt động hiệu quả nhất của Agribank là Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (Abic) với lợi nhuận liên tục tăng trưởng. Năm 2019, lợi nhuận sau thuế Abic tăng tới 41% so với cùng kỳ, đạt hơn 242 tỷ đồng.
Sau 6 tháng đầu năm, doanh thu phí bảo hiểm của Abic xấp xỉ 861 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ 2019. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng 24% lên gần 208 tỷ đồng. Tính đến 30/6, tổng tài sản của công ty báo hiểm này đạt 2.858 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cuối năm trước.
Một doanh nghiệp khác cũng đem lại lợi nhuận cho Agribank là Công ty TNHH MTV Dịch vụ Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (Dịch vụ Agribank), đơn vị hoạt động chính trong lĩnh vực in thương mại, quảng cáo thiết kế thi công công trình cơ bản và cung cấp dịch vụ ngân quỹ.
2 năm 2016, 2017, trong khi doanh thu tăng nhẹ (1,8%) thì và lợi nhuận của công ty này lại đi giật lùi, khi giảm gần 24%.
Năm 2018, doanh thu thuần tăng 75%, ở mức 284 tỷ đồng; lợi nhuận thuần tăng lên gấp 8 lần đạt 83,2 tỷ đồng. Sang năm 2019, mặc dù công ty vẫn duy trì được doanh thu thuần xấp xỉ với năm trước nhưng lợi nhuận thuần giảm tới 84%, xuống còn 13,3 tỷ đồng.
Những khoản lỗ còn tồn đọng
Trong khi Agriseco và Abic vẫn duy trì lợi nhuận tích cực, phần còn lại trong nhóm các công ty thành viên của Agribank lại theo chiều ngược lại.
Báo cáo tài chính soát xét bán niên nửa đầu năm nay của Agribank, kiểm toán cho biết, đến cuối tháng 6, Công ty Cho thuê tài chính I (ALC I)ghi nhận khoản lỗ lũy kế 665 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 389 tỷ đồng.
Thời điểm 30/6, nợ phải trả của ALC I bao gồm khoản nợ lãi phải trả đã quá hạn thanh toán là 451 tỷ đồng. Trong đó 430 tỷ là nợ lãi phải trả Agribank, chiếm 72% tổng nợ phải trả của công ty.
"Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu, có thể dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của ALC I", Báo cáo kiểm toán nêu rõ.
Trước đó, năm 2018, một công ty con khác của Agribank là ALC II đã tuyên bố phá sản và bị thu hồi giấy phép hoạt động do âm vốn chủ sở hữu là 12.034 tỷ đồng và lỗ lũy kế là 12.464 tỷ đồng.
Ngoài các công ty con, Agribank có một công ty liên kết là Công ty cổ phần Du lịch Thương mại Nông nghiệp Việt Nam (Agritour) với tỷ lệ sở hữu 23% vốn điều lệ.
Cũng như các doanh nghiệp cho thuê tài chính, công ty này liên tục báo lỗ trong 3 năm trở lại đây. Năm 2019, Agritour ghi nhận hơn 51 tỷ đồng doanh thu, gấp 3 lần so với năm trước, nhưng vẫn lỗ gần 2,3 tỷ đồng.
Trước đó, doanh thu của Agritour đã lao dốc mạnh từ mức hơn 660 tỷ đồng vào năm 2016 xuống chỉ còn 16,5 tỷ đồng vào năm 2017 đồng thời chuyển từ lãi 2,2 tỷ đồng sang lỗ trăm triệu đồng.
Với kết quả kinh doanh không mấy khả quan, Agribank từng nhiều lần muốn thoái vốn tại Agritour nhưng bất thành. Lần gần đây nhất là vào tháng 3/2020, Agribank tiếp tục đăng ký thoái hết số vốn tại Agritour với mức giá khởi điểm là 14.276 đồng/cổ phần, thấp hơn 7% so với lần đấu giá năm 2019 và 25% so với lần chào bán đầu tiên vào cuối năm 2017.