Ngày pháp luật

1% người giàu nhất thế giới nắm giữ gần 2/3 số tài sản mới trong 2 năm qua

Kim Dung

Báo cáo của Oxfam cho thấy nếu áp thuế 5% đối với các triệu phú và tỷ phú có thể thu về 1.700 tỷ USD mỗi năm, đủ để giúp 2 tỷ người thoát khỏi nghèo đói.

Theo Oxfam, giới siêu giàu đã nhanh chóng thâu tóm hơn một nửa số tài sản mới trên toàn cầu trong thập kỷ qua. Tài sản của các tỷ phú đang tăng thêm 2,7 tỷ USD mỗi ngày trong khi có ít nhất 1,7 tỷ người lao động chật vật vì lạm phát cao hơn tiền lương.

Một báo cáo của Oxfam gần đây cho thấy, kể từ năm 2020, nhóm 1% người giàu nhất thế giới đang nắm giữ gần 2/3 tổng số tài sản mới trị giá 42.000 tỷ USD, gần gấp đôi tổng tài sản của 99% dân số còn lại.

“Trong khi những người dân thường đang siết chặt chi tiêu ngay cả cho những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, thì nhóm siêu giàu đã vượt qua cả những giấc mơ điên rồ nhất của họ. Chỉ sau 2 năm, các tỷ phú đã bước vào thập kỷ vàng của họ. Chúng ta có thể gọi thập niên 2020 là kỷ nguyên bùng nổ của nhóm siêu giàu”, Gabriela Bucher, CEO của Oxfam Quốc tế chia sẻ.

1% người giàu nhất thế giới nắm giữ gần 2/3 số tài sản mới trong 2 năm qua
1% người giàu nhất thế giới nắm giữ gần 2/3 số tài sản mới trong 2 năm qua

Tài sản của các tỷ phú đã "phình to" thêm rất nhiều. Trong thời gian xảy ra đại dịch và khủng hoảng chi phí sinh hoạt từ năm 2020, 26.000 tỷ USD tương đương 63% trong tổng số tài sản tăng thêm trên toàn cầu là do nhóm 1% người giàu nhất nắm giữ. Chỉ có 16.000 tỷ USD (37%) thuộc về phần còn lại của thế giới.

Trong khi một người trong nhóm 90% người nghèo nhất kiếm được 1 USD thì một tỷ phú đã thu về gần 1,7 triệu USD. Tổng tài sản của nhóm tỷ phú đang tăng thêm 2,7 tỷ USD mỗi ngày. Sự giàu có của họ đã tăng nhân đôi trong 10 năm qua.

Giá trị tài sản ròng của những tỷ phú

Theo Oxfam, tổng giá trị tài sản ròng của nhóm 1% hiện nay là 11.900 tỷ USD. Mặc dù số tài sản này đã giảm gần 2.000 tỷ USD so với thời điểm cuối năm 2021, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức 8.600 tỷ USD mà các tỷ phú sở hữu vào tháng 3/2020.

Yếu tố thúc đẩy sự gia tăng tài sản của 1% người giàu nhất thế giới là đại dịch. Khi dịch Covid-19 bùng nổ, các Chính phủ trên toàn cầu, đặc biệt là những quốc gia giàu có, đã rót hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế để ngăn chặn sự sụp đổ. Điều này thúc đẩy giá cổ phiếu và các tài sản khác tăng lên.

Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy cho sự gia tăng tài sản của 1% người giàu nhất thế giới
Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy cho sự gia tăng tài sản của 1% người giàu nhất thế giới

Bên cạnh đó, tài sản của các tỷ phú tăng vọt vào năm 2022 còn nhờ lợi nhuận từ năng lượng và thực phẩm tăng nhanh.

Báo cáo cho thấy 95 tập đoàn thực phẩm và năng lượng đã thu về khoản lợi nhuận tăng gấp đôi trong năm 2022. Các tập đoàn này đã kiếm được 306 tỷ USD lợi nhuận bất ngờ và chi 257 tỷ USD (84%) trong số đó cho các cổ đông giàu có.

Đế chế Walton, chủ sở hữu một nửa Walmart, đã thu được 8,5 tỷ USD trong năm ngoái. Khối tài sản của tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani, chủ sở hữu của các tập đoàn năng lượng lớn, tăng vọt thêm 42 tỷ USD (46%) chỉ riêng trong năm 2022. Siêu lợi nhuận của các tập đoàn thúc đẩy ít nhất 50% lạm phát ở Australia, Mỹ và Anh.

Trong khi đó, ít nhất 1,7 tỷ người lao động đang sống ở các quốc gia có lạm phát cao hơn mức lương và hơn 820 triệu người tương đương 1/10 dân số thế giới phải chịu đói.

Phụ nữ và trẻ em gái chiếm gần 60% số người nghèo đói trên thế giới. Nhiều quốc gia đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản, trong đó các quốc gia nghèo nhất hiện đang phải chi trả các khoản nợ cho các chủ nợ giàu gấp 4 lần. 3/4 quốc gia trên thế giới đang lên kế hoạch cắt giảm khoảng 7,8 nghìn tỷ USD chi tiêu khu vực công trong vòng 5 năm tới, bao gồm cả chi tiêu cho y tế và giáo dục.

Đánh thuế người giàu

Oxfam kêu gọi tăng thuế một cách có hệ thống và trên diện rộng đối với nhóm siêu giàu để thu lại những khoản lợi nhuận thu được từ đầu tư công trong đại dịch. Chính sách giảm thuế cho những người giàu nhất và các tập đoàn đã dẫn đến sự bất bình đẳng khi những người nghèo hơn ở nhiều quốc gia phải đóng thuế cao hơn các tỷ phú.

Elon Musk, một trong những người giàu nhất hành tinh, chỉ phải trả “mức thuế thực” khoảng 3% trong những năm 2014 - 2018. Ngược lại, Aber Christine, một người bán bột mì ở Uganda, kiếm được 80 USD mỗi tháng phải đóng thuế đến 40%.

Theo Oxfam, để chống lại sự bất bình đẳng ngày càng tăng, Chính phủ cần tăng thuế đối với những dân cư giàu có nhất.

Đơn vị này đề xuất các Chính phủ áp dụng thuế đoàn kết cộng đồng một lần và thuế thu nhập bất thường để chấm dứt hành vi trục lợi từ khủng hoảng toàn cầu. Ngoài ra còn cần tăng thuế dài hạn đối với nhóm 1% người giàu nhất với mức thuế suất đủ cao để giảm đáng kể số lượng tài sản của những người siêu giàu, đồng thời tái phân bổ nguồn lực này.

Tin Cùng Chuyên Mục